|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Navico có thể tái gia nhập thị trường Mỹ khiến thị phần Vĩnh Hoàn giảm nhẹ nửa cuối năm'

08:07 | 02/07/2021
Chia sẻ
VDSC dự đoán thị phần của Vĩnh Hoàn tại Mỹ có thể chỉ giảm nhẹ trong nửa cuối năm nếu Navico xuất khẩu sang Mỹ, do sản lượng xuất khẩu của Navico còn nhỏ so với Vĩnh Hoàn và Navico sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm khách hàng cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu của Mỹ.

Ngày 28/6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát thuế chống bán phá giá định kỳ lần thứ 16 (POR16) đối với cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2018 đến ngày 31/7/2019. 

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VCH) là bị đơn bắt buộc duy nhất được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg khi xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. 

Còn CTCP Nam Việt (Navico - Mã: ANV) là bị đơn tự nguyện (nghĩa là không cần phải kiểm tra riêng lẻ và mức thuế dựa trên mức của bị đơn bắt buộc) cũng được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg. 

'Thị trường xuất khẩu cá tra vào Mỹ ngày càng cạnh tranh khốc liệt' - Ảnh 1.

Theo quan điểm của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kết quả POR16 có lợi cho ANV hơn VHC vì VHC đã được miễn thuế chống bán phá giá trong nhiều năm (từ POR 9) trong khi ANV đã rời thị trường Mỹ vào năm 2014 do thuế chống bán phá giá cao. Đây là cơ hội lớn để ANV tái gia nhập thị trường Mỹ trong năm 2021. 

VDSC kỳ vọng rằng ANV sẽ có khách hàng và bắt đầu xuất khẩu vào Mỹ từ cuối quý III/2021. 

Theo ANV, công ty có thể xuất khẩu sang Mỹ ít nhất 50-70 container/tháng. Theo ước tính của bộ phận phân tích VDSC, sản lượng xuất khẩu này tương đương 2,5 - 3 triệu USD, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu hàng tháng của ANV.

Tuy nhiên, VDSC đánh giá khả năng duy trì mức thuế ưu đãi này của công ty vẫn còn chưa chắc chắn trong dài hạn. 

'Thị trường xuất khẩu cá tra vào Mỹ ngày càng cạnh tranh khốc liệt' - Ảnh 2.

Theo POR16, ANV là bị đơn tự nguyện nên mức thuế của ANV được tham chiếu từ bị đơn bắt buộc là VHC mà không cần kiểm tra riêng lẻ. Sau khi xuất khẩu sang Mỹ, ANV có khả năng sẽ được chọn là bị đơn bắt buộc trong các đợt rà soát thuế tiếp theo, do đó không chắc chắn có thể tiếp tục duy trì được mức miễn thuế này. 

Bên cạnh khả năng bị kiểm tra riêng lẻ trong POR17, ANV cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn về ao nuôi và nhà máy chế biến theo chương trình thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ để có thể xuất khẩu bền vững vào Mỹ.

Thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh

Trong nhiều năm qua, VHC và Biển Đông đã chiếm gần 90% giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ, xây dựng được vị thế độc quyền tại thị trường này. 

Theo quan điểm của VDSC, thuế chống bán phá giá đóng vai trò như một tấm chắn bảo vệ thị phần cho VHC và Biển Đông tại thị trường Mỹ. Nếu các đợt rà soát thuế POR tiếp theo tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam vào thị trường Mỹ, vị thế độc quyền của VHC và Biển Đông tại đây có thể sẽ bị đe dọa. 

Để minh chứng cho điều đó, VDSC dẫn chứng nhìn từ góc độ thị phần cá tra tại EU, đây là thị trường xuất khẩu cá tra đứng thứ 3 của Việt Nam với những yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt tương đương với Mỹ nhưng không có hàng rào thuế chống bán phá giá. Thị phần tại EU gần như được chia đều cho các nhà xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam.

Do đó, giả định kịch bản gỡ bỏ thuế chống bán phá giá cho nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam hơn trong những năm tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể chứng kiến một sự tái định vị thị phần cho tất cả các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam, trong đó VHC và Biển Đông sẽ có thể chứng kiến thị phần bị giảm tại thị trường Mỹ.

'Thị trường xuất khẩu cá tra vào Mỹ ngày càng cạnh tranh khốc liệt' - Ảnh 3.

Về VHC, VDSC dự đoán thị phần của VHC tại Mỹ có thể chỉ giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021 nếu ANV xuất khẩu sang Mỹ, do sản lượng xuất khẩu của ANV còn nhỏ so với VHC và ANV sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm khách hàng cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt của Mỹ.

Hoàng Kiều