Doanh thu cá tra tháng 5 của Vĩnh Hoàn tiếp tục tăng trưởng hai con số, giá cổ phiếu kịch trần
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa có báo cáo tình hình kinh doanh tháng 5/2021 với tổng doanh thu hợp nhất tăng 35% so với cùng kỳ lên 742 tỷ đồng.
Trong đó, mức tăng trưởng đến chủ yếu từ các dòng sản phẩm sản phẩm cá tra, tăng 46% lên 515 tỷ đồng. Đồng thời, các sản phẩm phụ và sản phẩm giá trị gia tăng cũng ghi nhận mức tăng hai chữ số.
Ngược lại, dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sản phẩm khác giảm lần lượt 26% và 22% về 50 tỷ và 18 tỷ đồng.
Xét doanh thu theo thị trường, hầu hết các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ vào việc tiêm chủng vắc xin rộng rãi, thậm chí doanh thu từ thị trường Mỹ tăng đến 188% lên 314 tỷ đồng. Riêng thị trường xuất khẩu sang châu Âu có sự sụt giảm 22% về doanh thu.
Với CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (Mã: SGC), công ty đã được Vĩnh Hoàn mua lại từ đầu năm 2021 lại báo cáo kết quả kinh doanh tháng 5 không nhiều khả quan.
Trong đó, doanh thu hai sản phẩm chủ lực của Sa Giang là bánh phồng tôm với hơn 23 tỷ và sản phẩm từ gạo hơn 6 tỷ đều giảm lần lượt 15% và 25% so với tháng trước chủ yếu do giá gạo tăng.
Trong khi đó, xét về thị trường, thì doanh thu xuất khẩu sang châu Âu tăng 8% lên hơn 16 tỷ và các khu vực khác đều được cải thiện. Ngược lại, doanh thu nội địa giảm hơn nửa chỉ còn 8 tỷ đồng.
Trước thông tin tích cực trên, giá cổ phiếu VHC đã tăng kịch trần 44.250 đồng/cp trong phiên 10/6, tăng hơn 22% so với đầu tháng 5.
Cập nhật mới nhất, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính tới nửa đầu tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 113 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
VASEP cho biết giá trị xuất khẩu cá tra qua 5 tháng sang thị trường Mỹ đang tăng trưởng dần đều và có nhiều dấu hiệu hồi sinh tích cực.
Năm 2020, thị trường Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, các doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn vì gián đoạn, lượng tồn kho nhiều.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021, lượng tồn kho của Mỹ đã hết từ cuối tháng 2/2021. Thêm vào đó, hoạt động nuôi cá da trơn bản địa giảm mạnh về sản lượng.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ buộc phải gia tăng lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam để bù đắp cho thiếu hụt này.