Hòa Phát tiêu thụ 63.000 tấn ống thép, giảm 28% so với tháng trước
Trong tháng 5/2021, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiêu thụ 63.000 tấn ống thép, giảm 28% so với con số hơn 87.300 tấn trong tháng 4. Sản lượng bán hàng tôn mạ đạt 30.000 tấn, tăng gần 57% so với tháng trước.
Hòa Phát cho biết sản lượng xuất khẩu tôn mạ lạnh và mạ kẽm trong tháng 5 chiếm trên 50% lượng sản xuất của tập đoàn. Hơn 20.000 tấn tôn, ống thép đã được xuất từ cảng Hòn Gai, Quảng Ninh đi các nước Châu Âu, Mỹ, khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á. Đến nay, các nhà máy tôn và ống thép Hòa Phát đã hoạt động 100% công suất.
Tập đoàn có các nhà máy sản xuất ống thép tại Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương và Long An; tổng công suất khoảng 1 triệu tấn mỗi năm.
Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết những năm qua doanh nghiệp liên tục đầu tư thêm cho các nhà máy để mở rộng hoạt động. "Đến cuối 2021, tổng công suất của tất cả nhà máy ống thép sẽ lên thành 1,3 triệu tấn/năm chứ không còn là 1 triệu tấn nữa", ông Tuấn nói.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 22/4, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đang chạy tối đa công suất mảng tôn mạ, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tuấn phải thuê thêm đối tác gia công bên ngoài.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Hòa Phát ghi nhận sản lượng tiêu thụ 334.000 tấn ống thép và 123.000 tấn tôn mạ, tương ứng tăng 21% và 270% so với cùng kỳ. Riêng với sản phẩm tôn mạ kẽm và mạ lạnh, tỷ trọng hàng xuất khẩu đóng góp khoảng 45% tổng tiêu thụ 5 tháng.
Theo một lãnh đạo Công ty cổ phần Sản phẩm Thép Hòa Phát (đơn vị phụ trách mảng sản xuất tôn mạ, ống thép và container của tập đoàn), sản lượng xuất khẩu ống thép và tôn mạ gần đây tăng cao chủ yếu nhờ nhu cầu phục hồi ở Mỹ và Châu Âu sau đại dịch.
Ngoài ra, từ cuối tháng 4 năm nay, việc chính phủ Trung Quốc ra quyết định cắt bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu một số sản phẩm thép cũng là cơ hội để thép Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Trong lĩnh vực pháp lý thương mại, Hòa Phát cho biết trong vụ việc Australia điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) sản phẩm ống thép chính xác xuất xứ từ Việt Nam và một số nước khác, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) đã kết luận sơ bộ ống thép Hòa Phát không bị áp thuế CBPG và CTC khi vào nước này.
ADC khởi xướng điều tra CBPG và CTC đối với sản phẩm ống thép chính xác xuất xứ từ Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, đảo Đài Loan và Việt Nam từ ngày 31/3/2020.
Ngày 1/6/2021, ADC ban hành quyết định sơ bộ về vụ việc. Theo ADC, biên độ bán phá giá của các nhà sản xuất Việt Nam là -6,5%, biên độ trợ cấp là 0%, do đó không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Australia.