BSC: Lợi nhuận quý II Vĩnh Hoàn hưởng lợi nhờ không trích lập chi phí dự phòng hàng tồn kho
Tăng trưởng nhờ xuất khẩu tăng và mức nền doanh thu thấp cùng kỳ
Nhận định về triển vọng kinh doanh quý II của CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC), Chứng khoán BSC cho rằng với diễn biến xuất khẩu đang dần tích cực của ngành cá tra, Vĩnh Hoàn cũng hưởng lợi từ xu hướng này.
Trong báo cáo của Vĩnh Hoàn, doanh thu tháng 4 đạt 799 tỷ, tăng 61% so với cùng kỳ. Trong đó ghi nhận mức tăng trưởng 130% đạt 289 tỷ đồng doanh thu tại thị trường Mỹ và 246% đạt 158 tỷ đồng doanh thu tại Trung Quốc.
Quý II/2021, BSC cho rằng Vĩnh Hoàn tiếp tục ghi nhận doanh thu khả quan nhờ xu hướng hồi phục xuất khẩu và mức nền doanh thu thấp của năm ngoái. Về phía lợi nhuận, BSC dự báo Vĩnh Hoàn sẽ được hưởng lợi từ việc không trích lập chi phí dự phòng hàng tồn kho - thường xấp xỉ 60 tỷ đồng/quý, tương đương 30% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.
Trước đó, trong quý I, doanh thu và lợi nhuận sau thuế Vĩnh Hoàn lần lượt đạt 1.788 tỷ đồng và 131 tỷ đồng, tương ứng tăng 9,3% và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp thực hiện 20,7% kế hoạch doanh thu và 18,7% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Báo cáo từ BSC cho rằng kết quả kinh doanh Vĩnh Hoàn trong quý I chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục bởi công ty đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thay vì Mỹ với giá bán tại thị trường Trung Quốc thấp hơn ~20% so với giá bán tại thị trường Mỹ.
Động thái này khác với diễn biến của ngành khi thị trường Mỹ phục hồi khá tốt trong khi Trung Quốc chưa thấy tốc độ hồi phục mạnh mẽ trong quý I.
Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển tăng mạnh khiến chi phí vận chuyển, lưu kho của Vĩnh Hoàn trong kỳ tăng mạnh: tổng chi phí là 76 tỷ, tăng 181% so với cùng kỳ năm trước.
Chiến lược đầu tư vào công ty con chưa cho thấy hiệu quả
BSC cho rằng trong năm 2021, khi chiến lược mở rộng, đầu tư vào công ty con của Vĩnh Hoàn chưa thấy thành quả, hoạt động kinh doanh của công ty tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của ngành cá tra: phục hồi từ đáy khủng hoảng và bắt đầu một chu kỳ mới.
Trong đó, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ 6 tháng cuối năm nhờ nhu cầu hồi phục. Tính đến thời điểm hiện tại, các quốc gia trên thế giới đều đang tăng cường triển khai việc tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu cá tra lớn.
Đối với thị trường Trung Quốc, từ tháng 10 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc thắt chặt thủ tục hải quan đối với thủy sản nhập khẩu đã có ảnh hưởng tiêu cực đối với việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, BSC kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ và vắc xin được tiêm cho người dân sẽ giúp quy trình xuất khẩu trở lại bình thường.
Đối với thị trường Mỹ, kể từ mức đáy vào tháng 5, việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ cho thấy hồi phục dần dù tốc độ không mạnh mẽ. BSC kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, việc xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi nhờ mức nền thấp trong năm 2020 và Ấn Độ - một trong các quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn vào Mỹ - bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản bị đứt gãy.
Bên cạnh đó, BSC cho rằng nguồn cung cá tra khó có thể mở rộng trong ngắn hạn, giúp các doanh nghiệp có khả năng tăng giá bán khi nhu cầu tăng trưởng trở lại.
Trước đó, sau hai năm giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp, thậm chí người nuôi còn bị lỗ, khiến cho người dân không còn mặn mà với cá tra. Tính đến cuối năm 2020, diện tích nuôi cá tra đạt 7.530 nghìn ta, giảm 5% so với năm 2019.