Doanh nghiệp gỗ lãi xấp xỉ 500 tỷ đồng mỗi năm, sắp giao dịch UPCoM
Ngày 31/5, CTCP Gỗ An Cường đã chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và dự kiến giao dịch trên UPCoM trong tháng 6/2021.
Doanh nghiệp top đầu ngành vật liệu xây dựng, lợi nhuận hằng năm nửa nghìn tỷ đồng
Gỗ An Cường có trụ sở chính tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, vốn điều lệ hơn 876 tỷ đồng.
Trong ngành vật liệu xây dựng, các sản phẩm ván ép, bề mặt trang trí và đồ nội thất từ gỗ và ván ép của thương hiệu Gỗ An Cường này không mấy xa lạ.
Doanh nghiệp này đã hình thành từ 27 năm trước và tự giới thiệu là công ty số 1 tại Việt Nam và khu vực về vật liệu, giải pháp và nội thất làm từ gỗ công nghiệp.
Công ty có hai cụm nhà máy rộng hơn 240.000 m2, tập trung phục vụ cho nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Úc, Canada,… với doanh số xuất khẩu lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Theo giới thiệu, công ty hiện có hơn 22 showroom, showroom depot, văn phòng và nhiều điểm bán hàng trên toàn cấp. Ngoài ra, Gỗ An Cường còn bắt tay với các tập đoàn bất động sản như VinGroup, Novaland, Keppel Land,...
Tại bảng xếp hạng công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2020 do Vietnam Report bình chọn, cái tên Gỗ An Cường chỉ xếp sau ba doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty Viglacera và CTCP Vicostone.
Doanh nghiệp cho biết, với tốc độ tăng trưởng từ 25 - 30%/năm trong giai đoạn 2014 - 2020, Gỗ An Cường đang nắm chi phối tại thị trường nội địa với 50% thị phần các thương hiệu ván MFC và 70% thị phần các thương hiệu ván Laminate, ván Acrylic và các phụ phẩm.
Về tình hình kinh doanh, năm 2016, doanh nghiệp này đã mở rộng diện tích nhà máy, làm cơ sở để doanh thu của công ty liên tục đi lên giai đoạn 2017 - 2019. Lợi nhuận sau thuế giữ đều đặn trên dưới 500 tỷ đồng/năm.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Gỗ An Cường ở mức 4.453 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, khoản tiền nhàn rỗi và tiền gửi ngân hàng dưới một năm được đẩy mạnh tích trữ, ghi nhận 1.733 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ so với đầu năm.
Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả chiếm khoảng 1/5 tổng nguồn vốn, hơn 936 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở khoản nợ ngắn hạn. Tổng nợ đi vay của công ty chỉ ở mức 307 tỷ đồng và hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn.
Được cùng lúc Vinacapital, DEG và tập đoàn Nhật Bản rót vốn
Với tên tuổi trong ngành xây dựng, Gỗ An Cường còn được loạt tổ chức như quỹ Vinacapital, DEG (Đức) và Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản) rót vốn.
Cụ thể, tháng 6/2016, liên danh giữa VOF và DEG đã rót 30 triệu USD vào Gỗ An Cường và giải ngân trong vòng một năm. Thời điểm đó, VOF và DEG đánh giá Gỗ An Cường là doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng và thế mạnh tốt trong ngành gỗ với mức trăng trưởng 30 - 35%/năm.
Hơn một năm sau, tháng 10/2017, Tập đoàn Sumitomo Forestry trở thành nhà đầu tư chiến lược của Gỗ An Cường và đến cuối năm 2020, tập đoàn đến từ Nhật Bản này đã nâng sở hữu tại Gỗ An Cường lên 19,61%.
Về cơ cấu ban quản trị, trong 7 thành viên, hiện vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) thuộc về ông Lê Đức Nghĩa, ông có hơn 27 năm kinh nghiệm trong ngành gỗ công nghiệp.
Chiếc ghế Phó Chủ tịch thuộc về ông Masao Kamibayashiyama, người từng là trưởng phòng kế hoạch kinh doanh tại Tập đoàn Sumitomo Forestry.
Hai trong số 5 người còn lại là Thành viên HĐQT độc lập của Gỗ An Cường, ông Jess Rueløkke và bà Nguyễn Thị Diệu Phương vừa được bổ nhiệm tháng 6/2020 và cùng đang làm việc tại Vinacapital. Bà Phương ngoài ra còn tham gia vào HĐQT của CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH).