Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 50% một nước trung bình thấp
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, năm 2017 mặc dù được cải thiện đáng kể khiến cho năng suất lao động trung bình của Việt Nam đạt gấp 2 lần mức trung bình của nhóm thu nhập thấp, song chỉ bằng hơn 50% của nhóm nước trung bình thấp và bằng 13,8% nhóm các nước trung bình cao!
Cụ thể, tiến sỹ Thành dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân ở giai đoạn 2006 - 2012 là đạt 3,29%, vào giai đoạn 5 năm tiếp sau (2012 - 2017) đã tăng lên ở mức 5,3%, cao hơn 2,01%.
Theo đó, năng suất lao bình quân từ 2006 đến 2017 đã tăng 22,09 triệu đồng/lao động từ mức 38,64 triệu đồng/lao động lên mức 60,73 triệu đồng/lao động.
Giá trị năng suất lao động ở các lĩnh vực rất... "vênh"
Phân theo ngành, các lĩnh vực có mức năng suất lao động cao thuộc về khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học chuyên môn và công nghệ…
Trong khi đó các ngành chủ lực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức năng suất lao động thấp. Điều đáng lưu tâm, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo luôn dẫn đầu về mức tăng trưởng song năng suất lao động không được tương xứng.
So sánh với nước láng giềng Campuchia, ông Thành lo lắng nói, “năm 2015, năng suất lao động ngành của Việt Nam có mức thấp so với các nước trong khu vực.
Việt Nam đứng sau Campuchia tại các lĩnh vực trọng yếu là công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi và truyền thông.”
Ngược lại, các nhóm ngành Việt Nam thế mạnh về năng suất lao động trong khu vực, bao gồm khai khoáng, tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng.
FDI không tạo ra hiệu ứng tràn
Đi sâu hơn vào vấn đề, tiến sỹ Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra, khu vực đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, điều này đã giúp chuyển đổi cơ cấu lao động trong khu vực nội địa vốn tập trung vào nông nghiệp và phi chính thức sang dần các ngành công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao.
Song, sự đóng góp của khu vực FDI trong tăng trưởng năng suất lao động tại Việt Nam chỉ đạt 29%, trong khi khu vực ngoài Nhà nước lên tới 47% và khu vực Nhà nước chiếm tỷ trọng thấp nhất 24%.
“Sự đóng góp của khu vực FDI chủ yếu tập trung vào hoạt động dịch chuyển lao động trong khu vực nội địa năng suất thấp sang khu vực FDI với năng suất vượt trội. Còn lại, mức độ liên kết ngược và liên kết xuôi giữa các khu vực FDI với khu vực nội địa khác hầu hết đạt mức thấp trên tất cả các nhóm ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và kỹ năng cao. Điều này chỉ ra, khả năng tác động gián tiếp vào năng suất lao động của khu vực FDI thông qua hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ là rất thấp,” ông Hùng chỉ ra.
Do đó, ông Hùng kiến nghị các chính sách thu hút vốn FDI cần phải có sự thay đổi, tập trung hơn vào chất lượng thay vì số lượng.
Thêm vào đó, các cấp quản lý trung ương cần có sự giám sát chặt chẽ hơn trong các hoạt động thu hút đầu tư vốn nước ngoài tại các địa phương.