|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Năm 2023 Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lợi nhuận 1.383 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 thành tích năm ngoái

20:23 | 07/02/2023
Chia sẻ
Năm 2022 vừa qua là một năm thắng lớn của ngành phân bón, giúp các doanh nghiệp đều báo lãi tăng trưởng mạnh, trong đó Đạm Cà Mau lãi kỷ lục gần 4.300 tỷ đồng, tăng 134% so với năm trước đó. Tuy nhiên kết quả đột biến này có thể sẽ không tái diễn trong năm 2023.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) vừa công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất hơn 13.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.383 tỷ.

Năm 2022, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 15.924 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.281 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và tăng 134% so với năm trước đó. Trong đó, doanh thu lớn nhất đến từ mảng ure với 12.466 tỷ đồng, nguồn thu lớn thứ hai từ hàng hoá phân bón và bao bì với 2.065 tỷ đồng.

Như vậy, kế hoạch năm 2023 đang thấp hơn lần lượt 15% về kết quả doanh thu và 68% về kết quả lợi nhuận sau thuế đột biến của năm 2022.

 Kế hoạch sản lượng năm 2023 của Đạm Cà Mau. (Nguồn: Nghị quyết HĐQT của DCM).

Năm nay, Đạm Cà Mau dự chi hơn 275 tỷ đồng để đầu tư, hoàn toàn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, trang thiết bị. Trong đó, vốn vay và nguồn vốn khác dự kiến là 189 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2023 của Đạm Cà Mau chỉ bằng 1/3 kết quả đột biến năm 2022. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC của DCM).

Một doanh nghiệp cùng ngành là Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) mới đây cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ, lần lượt 13% và giảm 58% so với thành quả năm 2022.

Năm 2022 vừa qua là một năm thắng lớn của ngành phân bón, giúp các doanh nghiệp đều báo lãi tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên đến quý IV/2022, giá dầu có xu hướng giảm và sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu tăng khi Nga, Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu, gây áp lực giảm giá ure. Hơn nữa, quý IV/2021 là giai đoạn ngành phân bón Việt Nam được hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt phân bón toàn cầu tạm thời, cơ hội “nghìn năm có một” đó đã qua.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo giá ure trong năm 2023 sẽ ở quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022.

Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021. Tuy nhiên, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng đã làm cho giá khí đốt tại thị trường này hạ nhiệt.

Fitch Ratings dự báo giá khí tự nhiên sẽ vào khoảng 40 USD/MMBTU trong năm 2023, thấp hơn 57% so với mức cao lịch sử là 94 USD/MMBTU ở tháng 8/2022.

Các yếu tố vĩ mô nói trên sẽ gây áp lực giảm giá ure và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2023.

Minh Hằng