Sau năm lãi đột biến hơn 6.400 tỷ đồng, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 giảm hơn một nửa
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ.
Trước đó Đạm Phú Mỹ đã công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và tăng 68% so với năm ngoái, là kết quả kỷ lục của tổng công ty. Với kết quả này, Đạm Phú Mỹ đã vượt 16% kế hoạch doanh thu và vượt 55% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Như vậy so với kết quả đột biến năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế.
Năm 2023, Đạm Phú Mỹ dự kiến chi 492 tỷ đồng để đầu tư, trong đó 209 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản và gần 283 tỷ đồng cho mua sắm tài sản, trang thiết bị, lần lượt cao hơn 3 tỷ và thấp hơn 59 tỷ so với mục tiêu năm ngoái.
Trong báo cáo mới nhất, SSI Research đánh giá lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ có thể bắt đầu giảm từ quý IV/2022 do giá dầu có xu hướng giảm và sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu có thể tăng khi Nga, Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu, gây áp lực giảm giá ure và lợi nhuận trong năm 2023.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết giá ure trong năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022.
Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021. Tuy nhiên, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng đã làm cho giá khí đốt tại thị trường này hạ nhiệt.
Fitch Ratings dự báo giá khí tự nhiên sẽ vào khoảng 40 USD/MMBTU trong năm 2023, thấp hơn 57% so với mức cao lịch sử là 94 USD/MMBTU ở tháng 8/2022.
Đơn vị phân tích cho biết, theo dữ liệu của ICSC, giá khí đốt cao đã khiến 63% công suất sản xuất phân bón và hóa chất trong khu vực này ngừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp.
Việc giá khí tự nhiên hạ nhiệt đã giúp khôi phục sản xuất các ngành này tại châu Âu. Theo đó, Yara, một trong những nhà sản xuất phân bón và hoá chất lớn nhất thế giới, đã quay trở lại sản xuất amoniac với công suất khoảng 65% vào tháng 11/2022.
Bên cạnh đó, năm 2022, Nga và Trung Quốc đều áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón khiến nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, một số tín hiệu cho thấy hai quốc gia này sẽ dỡ bỏ những biên pháp hạn chế xuất khẩu của mình.
Nga đã cung cấp một hạn ngạch cao hơn cho xuất khẩu các sản phẩm phân bón trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ. Trong khi, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phân bón vào những tháng cuối của 2022.