|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý IV của Đạm Phú Mỹ giảm 49%, cả năm tiếp tục phá kỷ lục

08:07 | 28/12/2022
Chia sẻ
Kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Đạm Phú Mỹ đạt mốc cao nhất lịch sử, nhưng lợi nhuận quý IV/2022 của Đạm Phú Mỹ đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ do xu hướng giá dầu đi xuống và giá ure xuất khẩu không cao như quý IV/2021.

  ĐHĐCĐ bất thường của Đạm Phú Mỹ diễn ra sáng 27/12. (Ảnh: DPM).

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường diễn ra sáng 27/12, lãnh đạo Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) đã công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và tăng 68% so với năm ngoái, là kết quả kỷ lục của tổng công ty.

Với kết quả này, Đạm Phú Mỹ đã vượt 16% kế hoạch doanh thu và vượt 55% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022.

Năm 2022, Đạm Phú Mỹ tiếp tục phá vỡ mốc kỷ lục doanh thu và lợi nhuận đã đạt được trước đó. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của DPM).

Như vậy ước tính quý IV, doanh thu của Đạm Phú Mỹ khoảng 5.135 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.031 tỷ, lần lượt tăng 1% và giảm 49% so với quý IV/2021.

SSI Research đánh giá lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ có thể bắt đầu giảm từ quý IV/2022 do giá dầu có xu hướng giảm và sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu có thể tăng khi Nga, Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu, gây áp lực giảm giá ure và lợi nhuận trong năm 2023.

Với lợi nhuận năm 2022 ước tính cao kỷ lục, ĐHĐCĐ bất thường cũng đã thông qua điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2022 từ 50% lên mức 70%, tương ứng 7.000 đồng/cổ phần.

Hiện số cổ phiếu DPM đang lưu hành hơn 391,3 triệu cổ phiếu, tương ứng số tiền cần chi ra khoảng 2.739 tỷ đồng để thanh toán cổ tức. Phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2022 và các năm trước được ban điều hành công ty dự trù cho các dự án đầu tư phát triển trong các năm tới.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.