Mỹ và dự luật 'Giữ các công ty công nghệ ngoài lĩnh vực tài chính'
Ảnh: Reuters
Đề xuất này được trình bày trong một dự thảo luật do các nghị sĩ Đảng Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện Mỹ soạn thảo, theo Reuters.
Chính phủ Mỹ đã tăng cường hoạt động giám sát lên lĩnh vực tài chính sau khi đồng tiền ảo Libra vấp phải phản đối dữ dội, dự luật đề xuất mức phạt 1 triệu USD mỗi ngày đối với các công ty vi phạm qui định.
Đề xuất có tác động sâu rộng và có thể sẽ châm ngòi cho sự phản đối từ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa bởi họ ủng hộ đổi mới và có khả năng thu thập đủ phiếu bầu để phế bỏ dự luật.
Ngay cả khi Hạ viện phê chuẩn dự luật, nó vẫn phải được Thượng viện thông qua. Đây có thể là một cuộc đấu tranh khó khăn.
Tuy nhiên, đề xuất này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các công ty công nghệ lớn đang "dòm ngó" đến lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Dự luật này, hiện có tên "Giữ Công ty Công nghệ Ngoài Lĩnh vực Tài chính", nhắm đến các công ty công nghệ lớn, chuyên cung cấp nền tảng trực tuyến với doanh thu hàng năm ít nhất 25 tỉ USD.
"Một tiện ích nền tảng lớn không được thiết lập, duy trì hoặc vận hành tài sản kĩ thuật số có mục đích sử dụng rộng rãi như phương tiện trao đổi, tài khoản, lưu trữ giá trị hoặc bất kì chức năng khác, theo định nghĩa của Hội đồng Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang", dự luật viết.
Facebook, công ty đủ điều kiện để trở thành đối tượng trong dự luật, cho biết hồi tháng trước rằng họ sẽ ra mắt đồng tiền ảo Libra vào năm 2020.
Facebook và 28 đối tác gồm Mastercard, PayPal Holdings và Uber Technologies sẽ thành lập Hiệp hội Libra để quản lí đồng tiền ảo mới. Hiện tại, chưa ngân hàng nào tham gia vào liên minh này.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Libra và các đồng tiền ảo khác. Ngoài ra, ông còn yêu cầu các công ty nên tìm kiếm một điều lệ ngân hàng và tuân thủ qui định của nước Mỹ cũng như thế giới nếu muốn "trở thành một ngân hàng".
Bình luận của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các nhà lập pháp kế hoạch phát hành đồng Libra của Facebook không thể tiến hành nếu gã khổng lồ ngành công nghệ không giải quyết các mối lo ngại về quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định tài chính.