|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ thúc đẩy hệ thống thương mại mới sau 'đình chiến' với Trung Quốc

08:58 | 16/12/2018
Chia sẻ
Viện nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài phân tích về chính sách thương mại của Mỹ của chuyên gia Mireya Solis.
my thuc day he thong thuong mai moi sau dinh chien voi trung quoc Vietnam Report: Chiến tranh thương mại tác động lớn nhất đến doanh nghiệp năm 2018
my thuc day he thong thuong mai moi sau dinh chien voi trung quoc
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Viện nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài phân tích về chính sách thương mại của Mỹ của chuyên gia Mireya Solis.

Nội dung như sau:

Cộng đồng quốc tế thở phào nhẹ nhõm với việc Mỹ-Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận tạm ngừng đánh thuế lẫn nhau, tránh sự đổ vỡ trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí với thỏa thuận, theo đó Mỹ cam kết không nâng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ tháng 1/2019, nhưng các mức thuế đang tồn tại cũng như những biện pháp phi thuế quan của hai bên vẫn có hiệu lực.

Mục tiêu của thỏa thuận là tạo cơ hội cho việc đàm phán giữa hai nước về các lĩnh vực như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp bí mật thông qua mạng ảo, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và nông nghiệp.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sự cam kết “ngọt ngào,” thông báo việc Trung Quốc sẽ ngay lập tức tăng sản lượng mua hàng nông sản của Mỹ, đưa thuốc giảm đau có chất gây nghiện vào danh mục cần kiểm soát nhằm hỗ trợ Mỹ chống lại nạn sử dụng chất gây nghiện đang bùng phát và xem xét lại thương vụ Qualcomm-NXP đã bị từ chối trước đó, bước đầu thể hiện sự ủng hộ đối với mục tiêu chống độc quyền.

Khôi phục bầu không khí ở thời điểm trước khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc là tín hiệu tích cực, thúc đẩy các cơ hội đàm phán giữa hai nước về thương mại và đầu tư trong năm 2019.

Các cuộc đàm phán mang tính cấu trúc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn 90 ngày có thể dẫn tới hai kết cục, hoặc tìm ra giải pháp mang tính bền vững, hoặc sẽ chấm dứt “lệnh ngừng chiến.”

Khung thời gian dồn nén này cũng cho thấy hai viễn cảnh. Một là, “chiến thắng” của Tổng thống Trump ở Buenos Aires có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Mục tiêu chính của Mỹ là tìm kiếm sự trợ giúp cho người nông dân Mỹ - đối tượng không chỉ bị cấm xâm nhập vào thị trường Trung Quốc mà còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn với thị trường Nhật Bản trong bối cảnh thỏa thuận TPP mà ông Trump từ bỏ sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.

Cách xử lý bất đồng theo lối “bắt tay ngoại giao” trong cuộc gặp ông Trump - ông Tập chỉ có ý nghĩa “sớm nở tối tàn.” Người nông dân Mỹ có thể sớm nhận ra kết cục xấu trong trường hợp các cuộc đàm phán rơi vào thất bại vào tháng 3/2019.

Hai là, sự tin cậy trong các cuộc đàm phán sắp tới dựa trên quan điểm của mỗi nước về mức độ thích hợp cho việc khôi phục quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc.

Việc thiếu vắng những thỏa thuận cụ thể cũng khiến cho mục tiêu mới được thông qua tại hội nghị G20 về việc cải tổ WTO có thể gặp khó khăn khi thực hiện.

Quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề cải tổ WTO là bảo vệ nguyên trạng của tổ chức này. Ý đồ của Trung Quốc là tiếp tục duy trì địa vị quốc gia đang phát triển của nước này để được hưởng các đối xử đặc biệt, ưu đãi và phản kháng lại các yêu cầu phân biệt đối xử với các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước (SOE).

Đó là những vấn đề bất đồng cốt lõi giữa Trung Quốc với các nước Mỹ, Nhật Bản, EU - ba nước này đã phối hợp đưa ra các yêu cầu cho việc cải tổ WTO, bao gồm các tiêu chuẩn mới cho việc công nhận địa vị một quốc gia đang phát triển cũng như các quy tắc hiệu quả hơn để kiểm soát trợ cấp công nghiệp, hạn chế các lợi thế không công bằng dành cho các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước.

Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn ẩn sau việc cải tổ WTO là sự phản bác của một số quốc gia thành viên với tính pháp lý của chính sách đánh thuế thép của Mỹ vì lợi ích an ninh quốc gia cũng như việc Mỹ ngăn chặn bổ nhiệm thẩm phán mới vào cơ quan kháng án của WTO vì bất mãn với hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này.

Nếu không đạt được thỏa hiệp nào đến cuối tháng 12/2019, có khả năng WTO phải giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên trên cơ sở tự dàn xếp lẫn nhau.

Hội nghị G20 vừa qua cũng chứng kiến sự chuyển đổi chính sách thương mại của Mỹ mang đặc trưng của “thời kỳ ông Trump.”

Sự lạc quan sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Mexico và Canada ký kết thỏa thuận NAFTA “mới” đã nhanh chóng sụp đổ bởi các tuyên bố của ông Trump về ý định rút khỏi NAFTA “cũ”- điều này sẽ buộc Quốc hội Mỹ mất 6 tháng để quyết định lựa chọn thỏa thuận “mới” hay “cũ.”

Nếu Tổng thống Trump theo đuổi đường lối đối đầu với Quốc hội Mỹ khóa mới với tương quan đảng Dân chủ nắm thế đa số tại Hạ viện, quyết định rút khỏi NAFTA của Mỹ sẽ là sự tranh cãi chính trị và pháp lý diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ.

my thuc day he thong thuong mai moi sau dinh chien voi trung quoc
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thậm chí, các nội dung về nông nghiệp trong thỏa thuận mới cũng có thể dẫn tới sự tranh cãi gay gắt giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ trong thời gian tới. Điều đó sẽ làm xói mòn quan hệ giữa Mỹ với Canada và Mexico - những nước không ủng hộ cách tiếp cận “bên miệng hố chiến tranh” của ông Trump vốn đe dọa cơ hội thực hiện một thỏa thuận thương mại đã tiêu tốn nhiều tâm huyết của họ.

Các cuộc đàm phán về thương mại mang tính cấu trúc với Trung Quốc, vấn đề cải tổ WTO và việc phê chuẩn thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) sẽ tiêu tốn nhiều nỗ lực của Chính quyền Trump, trong khi chính sách thương mại của ông Trump sẽ tiếp tục tràn ngập những quyết định gây chỉ trích trên nhiều mặt trận thương mại quan trọng khác của Mỹ.

Thời điểm thử nghiệm chính sách của ông Trump sẽ đến sớm nếu ông bắt đầu đánh thuế mặt hàng ôtô nhập khẩu vì lý do bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.

Theo kế hoạch, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra các báo cáo đánh giá và khuyến nghị chính sách vào tháng 2/2019, sau đó Tổng thống Trump sẽ có 90 ngày để quyết định xem có thực hiện các biện pháp đó hay không.

Lời đe dọa đánh thuế ôtô luôn được Chính quyền Trump sử dụng để thúc ép EU và Nhật Bản trong các cuộc đàm phán thương mại song phương. Tuy nhiên, cả hai đối tác này của Mỹ đều thể hiện sự phản đối với quy mô của các cuộc đàm phán đó, cho thấy những khó khăn đặt ra cho Mỹ đang ở phía trước.

Bất kỳ sự đổ vỡ nào trong đàm phán có thể dẫn tới việc Mỹ đánh thuế vào ôtô nhập khẩu từ hai đối tác này và điều đó sẽ chấm dứt mọi cơ hội cho đàm phán 3 bên Mỹ-EU-Nhật Bản trong nội dung xử lý các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Đặc biệt trong đàm phán Mỹ-Nhật Bản, Mỹ yêu cầu đưa vào các điều khoản xử lý thao túng tiền tệ và hạn chế xuất khẩu ôtô của Nhật Bản - những vấn đề bất đồng làm các cuộc đàm phán giữa hai nước này kéo dài và căng thẳng.

Cuộc gặp của ông Trump và ông Tập bên lề Hội nghị G20 đã mang lại cơ hội giải quyết cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Theo tác giả, chúng ta cần tận hưởng nó khi nó đang tồn tại, đồng thời chuẩn bị chào đón năm 2019 với kỳ vọng mới cho hệ thống thương mại quốc tế./.

Xem thêm

Nóng chuyện kiểm toán
Thị trường gần đây lại nóng lên câu chuyện chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên sàn khi loạt kiểm toán viên bị đình chỉ giao dịch, có doanh nghiệp không thể tìm được đơn vị kiểm toán. Cùng với đó là tính minh bạch, trung thực của chính doanh nghiệp trong các con số.