Mỹ sẽ bán dự trữ dầu thô chiến lược trong 10 năm
Reuters cho biết, Mỹ sẽ bán dự trữ dầu thô chiến lược trong 10 năm.
Cụ thể vào ngày 23/5, Nhà Trắng trình Quốc hội Mỹ kế hoạch bán một nửa dự trữ dầu thô trong Kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ (gọi là dầu SPR) từ năm tài chính 2018, bắt đầu từ ngày 1/10, và sẽ kéo dài trong 10 năm.
Mỹ tính bán một nửa dự trữ dầu thô chiến lược. (Ảnh: Reuters) |
Theo kế hoạch này, việc bán dầu sẽ giúp ngân sách Mỹ thu về 500 triệu USD trong năm đầu tiên và cao nhất là 3,9 tỷ USD đến năm 2017. Tổng thu ngân sách từ dầu thô trong giai đoạn năm 2018 – 2027 sẽ đạt gần 16,6 tỷ USD.
Kho SPR của Mỹ, kho dự trữ dầu lớn nhất thế giới, giữ khoảng 688 triệu thùng dầu thô ở Louisiana và Texas. Việc bán một nửa dự trữ dầu chiến lược trong 10 năm tương đương mức tiêu thụ khoảng 95.000 thùng/ngày và 1% tổng sản lượng dầu hiện tại của Mỹ.
Kế hoạch bán dầu SPR được Mỹ nhen nhóm từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, và đã có rất nhiều thương vụ bán dầu được thông qua bằng văn bản luật trong năm 2015 và 2016. Lần gần đây nhất Quốc hội Mỹ đồng ý bán dầu trong vòng 3 năm để thu về 2 tỷ USD là vào tháng 12/2016. Sau đó, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã bán 6,4 triệu thùng dầu trong tháng 1 và 10 triệu thùng dầu trong tháng 2.
Mỹ sẽ cần thêm nhiều thời gian để “giải phóng” kho dầu SPR bởi sản lượng dầu thô của nước này đã tăng tới 49% trong vòng 5 năm qua.
Việc Mỹ bán dầu chứng tỏ nước này đã không còn phụ thuộc quá lớn vào dầu nhập khẩu. Kể từ khi hoạt động sản xuất dầu đá phiến bùng nổ tại Mỹ vào đầu thập kỷ này, nhập khẩu dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục giảm mạnh, xuống còn 7 triệu thùng/ngày, từ mức 10 triệu thùng/ngày ghi nhận vào giữa thập kỷ trước.
Quốc hội Mỹ xây dựng kho SPR vào năm 1975 sau khi ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Arab, dấy lên lo ngại về tình trạng nhiên liệu sẽ tăng giá trong dài hạn, gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này.
Việc Mỹ bán dầu sẽ gây áp lực lớn lên OPEC và một số nước khác đang tích cực giảm sản lượng dầu để cân bằng thị trường. Tuần này, OPEC sẽ họp bàn để xem xét khả năng gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu tới tháng 3/2018.