|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỹ rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có tác động gì tới kinh tế toàn cầu?

14:48 | 02/06/2017
Chia sẻ
Ông Trump có vẻ đã phóng đại quá mức tác động tới nền kinh tế Mỹ của hiệp định Paris, thực tế quyết định rút khỏi của Mỹ có vẻ chẳng ảnh hưởng nhiều đến các nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Mỹ sẽ không thể rời bỏ hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chỉ trong một đêm, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đêm qua theo giờ Việt Nam kéo theo sau đó một quy trình kéo dài cả năm để rút khỏi thỏa thuận khung và làm nổi lên những câu hỏi về điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.

Với quyết định của mình, ông Trump tuyên bố rằng đang bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi một thỏa thuận mà có thể lấy đi việc làm của người Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump có thể đang phóng đại quá mức ảnh hưởng của hiệp định tới nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Ông Trump cũng cho biết để ngỏ khả năng đàm phán lại hiệp định với các điều kiện có lợi hơn cho Mỹ, tuy không rõ điều đó có ý nghĩa hay không nếu không có bất cứ quốc gia nào khác chấp nhận đề nghị này.

Tương tự như thế, bất chấp các lo ngại của những nhà hoạt động môi trường, việc Mỹ ra đi dường như không có ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Dưới đây là những điều mà chúng ta cần biết.

Liệu Trump có phá bỏ hiệp định Paris về biến đổi khí hậu?

Không. Ông Trump đã đưa Mỹ vào chế độ rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên gần 200 quốc gia khác vẫn duy trì hiệp định và như thế hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn có hiệu lực bất kể vị thế của Mỹ. Ông Trump cũng cho biết để mở khả năng đàm phán các điều khoản mới trong hiệp định Paris hay một hiệp định mới mà có lợi hơn cho người lao động Mỹ cũng như buộc các quốc gia khác phải hành động nhiều hơn.

Ông Trump thay vào đó nên cam kết rút khỏi hiệp ước về khí hậu Liên Hợp Quốc năm 1992, được ký bởi Tổng thống George H.W. Bush và được phê chuẩn bởi thượng viện Mỹ. Điều này sẽ khiến cho việc tham gia trở lại thỏa thuận khó hơn hơn nhiều.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Theo các điều khoản của hiệp định Paris, ông Trump phải chờ tới tháng 11/2019 để chính thức đệ trình ý định rút khỏi hiệp định. Ở thời điểm đó, Mỹ sẽ bước vào giai đoạn chờ đợi 1 năm trước khi chính thức rút khỏi hiệp định. Quyết định này có thể được vị tổng thống tiếp theo của Mỹ thay đổi - hay thậm chí là chính ông Trump đổi ý. Kết quả là, vấn đề này sẽ được đặc biệt quan tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Những cuộc đàm phán lại có nghĩa gì?

Ông Trump đã dành nhiều thời gian trong bài phát biểu ngày thứ 5 để nói về việc ông sẵn sàng đàm phán lại hiệp định để công bằng hơn cho người Mỹ. Ông chẳng hề giải thích điều ông nói nghĩa là sao hay những điều khoản như thế nào sẽ được ông chấp thuận. Lý do tại sao các nước khác phải đàm phán lại hiệp định đã tốn rất nhiều năm mới đạt được cũng chẳng được nêu ra. Tuy nhiên, toàn bộ quan điểm của thỏa thuận là rằng mỗi quốc gia có thể đặt ra các mục tiêu khác nhau - hay nghĩa là ông Trump có thể thay đổi những mục tiêu của Mỹ mà không cần các cuộc đàm phán chính thức.

Tuy nhiên, ông Trump chẳng có vẻ gắn chặt với các cuộc đàm phán mới khi tuyên bố rằng nếu có thể đạt được một thỏa thuận mới thì thật tuyệt vời nhưng nếu không thì cũng chẳng sao.

Ai là người thắng, kẻ thua?

Động thái hôm nay của ông Trump có khả năng thúc đẩy các ngành thải ra nhiều khí carbon, như các nhà sản xuất công nghiệp nặng và các doanh nghiệp than đá, trong khi giảm nhu cầu với những ngành thay thế thải ra lượng khí carbon ít hơn. Nhưng mối liên kết này rất mong manh: Các chính sách trong nước của ông Trump có ý nghĩa quan trọng hơn hiệp định Paris, bởi hiệp định không bao gồm cơ chế ép buộc thực thi đối với các quốc gia không đáp ứng được các cam kết của mình.

Các doanh nghiệp Mỹ bán hàng ở nước ngoài có thể đối mặt với những rào cản mới trong xuất khẩu nếu các quốc gia phản ứng với việc rút khỏi hiệp định của Mỹ bằng cách áp các loại thuế quan liên quan tới khí thải carbon hay các hình phạt khác với hàng hóa Mỹ. Khách hàng tại các quốc gia khác có thể cũng sẽ tẩy chay hàng hóa Mỹ để trả đũa việc Mỹ rút khỏi hiệp định Paris.

Điều này có ý nghĩa gì với biến đổi khí hậu?

Không có nhiều ý nghĩa. Lượng khí thải của Mỹ giảm dưới thời Obama nhưng dự kiến sẽ cao hơn bởi các chính sách của ông Trump, chẳng hạn như thay đổi các quy định dưới thời Obama về các nhà máy điện và việc rò rỉ khí mê-tan. Quyết định hôm nay không tác động trực tiếp tới các chính sách đó. Những nhà hoạt động môi trường tranh cãi rằng việc rời khỏi hiệp định Paris sẽ giảm áp lực phải xem xét lại các chính sách đó của ông Trump.

Điều quan trọng hơn là liệu việc rút khỏi hiệp định của ông Trump có kéo theo các quốc gia khác hành động tương tự. Hiện giờ thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó: Những nước xả khí thải lớn bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ hiệp định Paris. Dù sự ủng hộ đó có tiếp tục hay không là điều khó đoán trước; nếu không thì lượng khí thải và nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ tăng nhanh hơn.

Liệu Trump có đúng về việc Ấn Độ và Trung Quốc đã được ưu ái?

Hiệp định Paris kêu gọi mọi quốc gia đặt ra mục tiêu cắt giảm thí thải gây ô nhiễm. Trung Quốc hứa rằng lượng khí thải sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, trong khi Ấn Độ cho biết sẽ giảm tổng lượng khí thải carbon với mỗi đồng USD nền kinh tế này tạo ra, tuy nhiên lượng khí thải của nước này vẫn tiếp tục tăng.

Những mục tiêu này ít tham vọng hơn cam kết của Mỹ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới kêu gọi cắt giảm hơn 26% lượng khí thải phát ra của năm 2005. Tuy nhiên Ấn Độ và Trung Quốc cho rằng nền kinh tế của họ ít phát triển hơn Mỹ nên chưa sẵn sàng cắt giảm khí thải theo các điều khoản tuyệt đối.

Liệu nó có ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ?

Ông Trump đã chỉ ra việc làm Mỹ là lý do chính của việc rút khỏi hiệp định biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện bởi ngành công nghiệp năng lượng mặt trời chỉ ra rằng nhiều người Mỹ hiện đang làm việc xây dựng, lắp đặt và bảo trì các tấm năng lượng mặt trời hơn là các doanh nghiệp than đá. Và thậm chí nếu sản lượng than tăng lên, thì nó có lẽ cũng không dẫn tới việc tăng việc làm, bởi tác động của tự động hóa.

Các nhà môi trường học, trong khi đó, cảnh báo rằng việc rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ tạo ra lực cản với nền kinh tế Mỹ, làm giảm đầu tư của nước này vào năng lượng sạch và các ngành liên quan.

Liệu hóa đơn điện có giảm xuống?

Quỹ Di sản (Heritage Foundation) tuyên bố rằng những bước đi cần thiết để đáp ứng các cam kết của Mỹ tại hiệp định Paris - cụ thể là các quy định carbon với các nhà máy điện - sẽ tăng chi phí điện gia dụng thêm 13 đến 20% vào năm 2035. Tuy nhiên Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho rằng cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ bù đắp chi phí điện tăng, với việc hóa đơn điện của các hộ gia đình ban đầu sẽ tăng nhưng sau đó sẽ giảm xuống.

Tuy vậy, lập luận này lại được đưa ra để bảo vệ cho tuyên bố của ông Trump về việc chấm dứt các quy định dưới thời Obama, một cam kết đưa ra trước tuyên bố rút khỏi hiệp định Paris hôm nay. Như thế, bản thân việc rời bỏ hiệp định Paris có thể chẳng tác động trực tiếp tới tiền điện của các hộ gia đình.

Phương Nguyễn