|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ muốn hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, y tế và dệt may

20:28 | 07/12/2021
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, y tế và dệt may.

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 1995-2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng gấp 168 lần, đánh dấu bước chuyển biến trong quan hệ thương mại song phương.

Tại diễn dàn Thương mại Việt Nam – Mỹ năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tương lai của gần 100 triệu công dân của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với tương lai của khu vực, cũng như sự ổn định trong các quan hệ với các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó, có Mỹ.

"Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ đang mở rộng ở nhiều lĩnh vực như kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng, hứa hẹn sẽ trở thành những lĩnh vực trụ cột trong hợp tác kinh tế - thương mại tương lai", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 10 tháng, Mỹ hiện xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.134 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,72 tỷ USD.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư Mỹ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G…

Mỹ muốn hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, y tế và dệt may - Ảnh 1.

Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. (Ảnh: TTXVN)

Theo TTXVN, nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Marie Damour, đại diện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết về lĩnh vực năng lượng, Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu và giải quyết về vấn đề biến đổi khí hậu, đảm bảo nền kinh tế năng động.

Đặc biệt, hai nước đang hợp tác để tìm giải pháp bền vững nhất trong vấn đề phát triển pin, năng lượng mặt trời, dự án điện gió, sớm ký hiệp định mua bán trực tiếp và hoàn tất Sơ đồ điện VIII, thúc đẩy hợp tác năng lượng gió, năng lượng sạch…

Ngoài ra, Mỹ cũng muốn giới thiệu nhiều công ty mới trong ngành y tế hợp tác đầu tư tại Việt Nam từ hợp tác công nghệ y tế, giới thiệu y tế hiện đại.

Đồng thời, Mỹ có thể hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghệ như công nghệ điện tử, online treaming cũng như cam kết hợp tác Việt Nam trong việc xây dựng công nghệ, phát triển sân bay với công nghệ mới nhất.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Trưởng thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết kinh tế Mỹ đang có sự phục hồi nhưng tác động của dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy và chịu di chứng nặng nề, đặc biệt là việc thiếu hụt hàng hóa.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam ổn định sản xuất, tăng tốc xuất khẩu để nối lại chuỗi cung hàng hóa sang Mỹ.

Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cung từ Việt Nam, đặc biệt là hàng dệt may, da giày.

Bà Beth Huges, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) cam kết duy trì mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất Việt Nam để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung.

Còn theo bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham Hà Nội, để khôi phục sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, điều quan trọng nhất là tiêm đầy đủ vắc xin cho người dân, người lao động.

Bên cạnh đó, việc tạo thuận lợi hóa thương mại, chính sách thuế, thủ tục hành chính… cũng cần được khắc phục. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa chính sách thuế Việt Nam và Mỹ.

Bởi, nếu chính sách thuế thông thoáng, thủ tục hành chính bớt rườm rà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên cùng hợp tác và phát triển.

Hoàng Anh

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.