|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ: Lạm phát giảm nhưng chưa đủ

21:31 | 24/12/2022
Chia sẻ
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân đã giảm trong tháng 11 - một tin đáng mừng cho các hộ gia đình đang vật lộn với chi phí tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng chậm lại.

Cụ thể, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 11/2022 tăng 5,5%, chậm hơn mức 6,1% của tháng trước.

Mặc dù số liệu trên tiếp tục thể hiện xu hướng lạm phát tăng chậm lại trong những tháng gần đây khi các quan chức cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới, song mức giảm này dường như không đủ mạnh để thay đổi lập trường tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc chiến dài hơi chống lạm phát.

Ngân hàng trung ương thường tập trung vào chỉ số giá PCE vì nó phản ánh chi tiêu thực tế của người tiêu dùng, bao gồm cả xu hướng chuyển sang mua sắm các mặt hàng rẻ hơn. Nếu xem xét kỹ hơn, từ tháng 10 đến tháng 11, chỉ số giá PCE tăng 0,1% do giá lương thực tăng. Điều này có khả năng khiến Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Tuy nhiên, việc giảm bớt áp lực lạm phát nói chung đã góp phần thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng trong tháng 12. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan công bố cũng tăng 5% - cao hơn dự kiến nhờ giá xăng giảm và thị trường chứng khoán khởi sắc đầu tháng này. Giám đốc khảo sát Joanne Hsu cho biết mặc dù tâm lý người tiêu dùng vẫn tương đối bi quan, nhưng thái độ cực kỳ tiêu cực đã được cải thiện.

Chuyên gia Ian Shepherdson của công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics (Anh) cho biết hoạt động chi tiêu dường như đang bị thắt chặt, với chi tiêu cho ô tô giảm mặc dù chi tiêu cho các dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Dữ liệu của Bộ Thương mại cũng cho thấy chi tiêu hộ gia đình, vốn luôn chứng tỏ khả năng phục hồi tốt ngay cả khi lạm phát cao trong nhiều thập kỷ, đã tăng 0,1% từ tháng 10 đến tháng 11.

Ông Shepherdson lưu ý rằng, mặc dù yếu tố mua sắm trong dịp lễ cuối năm có thể gây ra sai lệch về số liệu, nhưng dường như mọi người đang trở nên thận trọng hơn khi chi tiêu. Điều này là do người tiêu dùng sắp tiêu hết khoảng một nửa số tiền tiết kiệm tích lũy do đại dịch trong khi các điều kiện thị trường lao động đang yếu đi. Theo số liệu chính thức, thu nhập cá nhân trong tháng 11 cũng tăng 0,4% so với tháng 10.

Nhà kinh tế Oren Klachkin của Công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics (Anh) nhận định rằng, lãi suất cao và lạm phát tăng khiến người tiêu dùng không còn thoải mái mua sắm như trước, nhưng thu nhập tăng và tiết kiệm dư thừa vẫn là yếu tố hỗ trợ hoạt động tiêu dùng.

Giá tiêu dùng đã tăng vọt trong năm nay và tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na), khiến Fed nhanh chóng tăng lãi suất với hy vọng làm giảm nhu cầu. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất 7 lần trong năm nay, gây thiệt hại cho nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản. Tuy vậy, chi tiêu tiêu dùng vẫn duy trì ổn định và giá cả vẫn ở mức cao.

Nếu loại trừ giá các mặt hàng dễ biến động như lương thực và năng lượng, chỉ số giá PCE lõi tăng 4,7% so với một năm trước, mặc dù con số này giảm so với tháng 10 nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của Fed.

Theo chuyên gia Klachkin, các số liệu lạm phát mới công bố là "đáng khích lệ", nhưng vẫn chưa báo hiệu sự sụt giảm đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng. Ông cho biết, xu hướng tăng giá tiêu dùng có thể sẽ thu hẹp trong năm tới, nhưng ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Mai Ly