|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ, Hồng Kông đang bán trái phép cà phê Myanmar vì nhu cầu gia tăng

20:07 | 30/07/2018
Chia sẻ
Theo ông U Ngwe Tun, người sáng lập công ty Genius Shan Highland Coffees, các nhà bán lẻ ở Mỹ và Hồng Kông đã bán cà phê của công ty mà không được sự cho phép.

“Ở Hồng Kông và Mỹ, mọi người đang bán cà phê dưới thương hiệu và bao bì của chúng tôi cùng với nhãn hiệu chứng nhận hữu cơ nhưng không được chúng tôi cho phép. Đây là sản phẩm giả mạo và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (IP) của chúng tôi”, ông U Ngwe Tun phát biểu tại diễn đàn IP cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Myanmar trong tuần trước.

Tuy nhiên, The Myanmar Times cho biết, Myanmar không có luật IP chính thức để bảo vệ các công ty của mình, nên ông U Ngwe Tun rất khó có thể hành động chống lại kẻ bắt chước những người làm đồ giả.

“Thật khó để hành động, nhưng chúng tôi đang cố gắng. Nếu chúng tôi có luật kiểm soát quyền IP, nó sẽ có lợi cho các doanh nghiệp địa phương và khuyến khích họ sáng tạo và cạnh tranh hơn", ông nói thêm.

Ngoài ra, điều này cũng sẽ thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nội địa. Theo The Myanmar Times, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, công nghệ và sản xuất đã không đầu tư vào quốc gia này do thiếu sự bảo vệ IP.

“Hiện tại không có luật cho IP. Vì vậy, quy định về vấn đề này phải được ban hành một cách nhanh chóng", ông U Thein Aung, Phó chủ tịch Hiệp hội các chủ sở hữu trí tuệ ở Myanmar cho biết.

Về vấn đề này, cho tới nay Myanmar đã soạn thảo luật về bằng sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền.

my hong kong dang ban trai phep ca phe myanmar vi nhu cau gia tang
Ảnh: The Myanmar Times

Genius Shan Highlands Coffee trồng và sản xuất cà phê tại đồn điền ở thị trấn Ywar Ngan thuộc huyện Southern Shan. Công ty bán cà phê cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, gồm Nhật Bản, Mỹ và Campuchia. Genius Shan đã được trao chứng nhận hữu cơ từ Liên minh kiểm soát ở Hà Lan.

Việc làm giả cà phê địa phương của những người bán tại các thị trường nước ngoài xuất hiện vào thời điểm nhu cầu cà phê Myanmar trên các thị trường này ngày càng tăng.

Hơn 100 tấn cà phê được sản xuất tại Ywar Ngan và Pyin Oo Lwin, Mandalay có thể xuất khẩu trong năm nay và có tiềm năng xuất khẩu thêm nữa, theo ông U Min Hlaing, Thư ký Hiệp hội Cà phê Myanmar cho biết.

Các thị trường xuất khẩu mục tiêu là Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và Australia với một tấn hạt cà phê, tùy thuộc vào chất lượng, và sẽ thu về tối thiểu từ 4.500 USD đến tối đa hơn 6.000 USD.

Cà phê xuất khẩu sang Mỹ và Anh lên đến khoảng 7.000 USD mỗi năm. 80/120 làng của Ywar Ngan trồng cà phê và có khoảng 8.000 mẫu trang trại cà phê. Đa số người nông dân trồng trong hai hoặc ba mẫu Anh để có thể quản lý được.

Năm ngoái, 36 tấn cà phê đặc biệt được xuất khẩu sang Mỹ với giá khoảng 7.000 USD/tấn. Trong khi đó, 18 tấn loại cao cấp được xuất sang Thụy Sĩ với giá khoảng 4.000 USD/tấn.

Người trồng cà phê tại làng Ywar Ngan sản xuất tổng cộng 700 tấn cà phê và họ bán hạt cà phê cho Malaysia, Thái Lan và tiêu thụ nội địa. Giá cà phê trong nước năm 2014 là 3.5 triệu kyat/tấn, nhưng hiện tại đã đạt mức 4,5 triệu kyat/tấn.

Lyly Cao