Mỹ: Giá thực phẩm vẫn tăng cao bất chấp lạm phát 'hạ nhiệt'
Tình hình lạm phát có thể đang chậm lại, nhưng giá thực phẩm tại Mỹ vẫn cao ngất ngưởng. Trong 12 tháng qua, giá hàng tạp hóa nói chung đã tăng 13,1% - mức tăng tính theo 12 tháng lớn nhất kể từ năm kết thúc vào tháng 3/1979 và hầu hết các mặt hàng đều tăng giá.
Một số yếu tố đã góp phần làm tăng chi phí lương thực như: dịch cúm gia cầm khiến Mỹ có ít trứng hơn, hạn hán nghiêm trọng ở Brazil (Bra-xin) đã làm giảm diện tích cây cà phê và xung đột kéo dài tại Ukraine (U-crai-na) khiến giá lúa mì tăng vọt vào mùa Xuân.
Mặc dù giá cả hàng hóa đang có xu hướng giảm, sẽ mất nhiều thời gian để những chi phí thấp đó chuyển đến người tiêu dùng. Thêm vào đó, nhiều chi phí khác “đè nặng” lên các nhà sản xuất - chẳng hạn như chi phí nhiên liệu, nhân công và đóng gói - cũng đồng loạt tăng cao.
Không giống như các mặt hàng tùy chọn, người tiêu dùng không thể ngừng mua thực phẩm ngay cả khi giá tăng. Tuy nhiên, họ có thể đưa ra các lựa chọn ít tốn kém hơn. Các nhà sản xuất, cửa hàng tạp hóa và điều hành các nhà hàng đã lưu ý rằng, người tiêu dùng thực sự đang thay đổi cách chi tiền - đổi những mặt hàng có giá cao hơn để lấy những mặt hàng có giá cả phải chăng hơn.
Đầu tuần này, tập đoàn công nghiệp thực phẩm Tyson của Mỹ cho biết, nhu cầu đối với món bít tết đang giảm trong khi sự quan tâm đến thịt gà đang tăng lên. Giám đốc điều hành chuỗi đồ ăn nhanh toàn cầu Wendy, Todd Penegor, cho biết, lượng khách tới các cửa hàng Wendy đã bị sụt giảm phần nào do một số khách hàng quyết định chuẩn bị bữa trưa hoặc ăn sáng ở nhà. Ông Penegor nói thêm khoảng 82% các bữa ăn được ăn ở nhà trước đại dịch, nhưng con số đó đã tăng ba điểm phần trăm kể từ đó và hiện vẫn giữ ở mức đó.
Các nhà hàng cũng đã tăng giá, nhưng với tốc độ chậm hơn. Trong khoảng thời gian từ 12/2021 đến tháng 7/2022, giá các thực đơn tại các nhà hàng trên toàn cầu đã tăng 7,6%, thấp hơn mức lạm phát chung.
Thêm vào đó, giá thực phẩm phần lớn không bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực hiện tại của chính phủ nhằm cắt giảm chi phí đang theo chiều hướng xoắn ốc. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã thừa nhận như vậy trong phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào tháng Sáu vừa qua, nói rằng việc tăng lãi suất để chống lạm phát sẽ không làm giảm giá lương thực.
Về cơ bản, người tiêu dùng đang có suy nghĩ là Mỹ không thể kiểm soát các yếu tố quốc tế như bất ổn ở Ukraine và chi phí vận chuyển tăng cao hơn, nên nước này không thể kiểm soát hoàn toàn giá lương thực nội địa.
Hơn nữa, Chính phủ Mỹ không có dự trữ lương thực như dầu mỏ, dẫn tới việc giá thực phẩm tiếp tục leo thang. Trong tháng Bảy, sau khi được điều chỉnh theo mùa, giá trứng đã tăng 4,3% so với tháng Sáu. Giá cà phê và bơ đậu phộng mỗi loại đều tăng hơn 3,5%. Giá bột mì tăng 3,2% và giá bánh mì tăng 2,8%. Giá phô mai tăng 2%, trong khi thịt gà đắt hơn 1,4%.