|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ đóng cửa đại sứ quán tại Kiev vì lo bị không kích

07:55 | 21/11/2024
Chia sẻ
Đại sứ quán Mỹ ở Kiev đã chỉ đạo nhân viên trú ẩn tại vị trí đề phòng không kích, đồng thời kêu gọi công dân Mỹ nhanh chóng chuẩn bị chỗ trú ẩn.

Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine. (Ảnh: Reuters). 

Mỹ quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Kiev của Ukraine vào ngày 20/11. Washington cho biết họ đã nhận được tin báo về nguy cơ xảy ra “một cuộc không kích nghiêm trọng” giữa lúc căng thẳng với Nga leo thang.

Thông báo của Đại sứ quán Mỹ nêu rõ họ đóng cửa tòa nhà để đảm bảo an toàn và đã hướng dẫn nhân viên trú ẩn tại chỗ. Cơ quan này nói thêm: “Chúng tôi khuyến nghị công dân Mỹ chuẩn bị trú ẩn ngay lập tức phòng trường hợp có báo động không kích”.

Khi được yêu cầu bình luận về Đại sứ quán Mỹ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ nói động thái này “liên quan đến diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”.

Theo tờ CNBC, báo động không kích là điều thường xuyên xảy ra tại Kiev. Thủ đô Ukraine thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Tuy nhiên, gần đây căng thẳng giữa Moscow và Washington đã gia tăng đáng kể sau khi có thông tin Nhà Trắng đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Hôm 19/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã đánh chặn 5 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất và phá hủy một tên lửa khác. Ukraine chưa đưa ra bình luận chính thức về việc tiến hành tấn công bằng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất. Lầu Năm Góc cũng từ chối bình luận về diễn biến trên.

Tuy nhiên, vụ tấn công khiến Moscow nổi giận, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gọi động thái này là “sự leo thang” xung động của phương Tây.

Tên lửa ATACMS được sử dụng trong buổi huấn luyện chung giữa Mỹ và Hàn Quốc năm 2022. (Ảnh: Getty Images). 

Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa nhắm vào các mục tiêu trên đất Nga. Hôm 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, thay đổi các giới hạn để Mosocw có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Học thuyết sửa đổi tuyên bố, bất kỳ hành động gây hấn chống lại Nga của một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công chung.

Học thuyết cho biết Điện Kremlin có thể dùng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này và nước đồng minh Belarus. Đồng thời, việc phóng tên lửa đạn đạo chống lại Nga sẽ được coi là một trong những điều kiện có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân.

Ông Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, cảnh báo trong cuộc phỏng vấn với tạp chí National Defense: “Nỗ lực của các nước NATO nhằm tạo điều kiện cho các cuộc tấn công tầm xa bằng vũ khí phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga sẽ bị trừng phạt”.

Giang