|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10,5 tỉ USD năm 2019 có khả thi?

07:30 | 29/01/2019
Chia sẻ
Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỉ USD trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, VASEP cho rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu khắc phục được những tồn tại của ngành.

Mục tiêu đạt 10,5 tỉ USD

Theo Tổng Cục Thủy sản Việt Nam, năm 2019, mục tiêu tổng sản lượng thủy sản ước hơn 8 triệu tấn (tăng khoảng 4,2% so với 2018). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 10,5 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2018.

Ngành đặt mục tiêu giữ ổn định diện tích nuôi cá tra khoảng 5.400 ha. Ổn định diện tích nuôi tôm sú 620.000 ha, sản lượng 330.000 tấn, phát huy lợi thế của nuôi tôm thẻ chân trắng, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Diện tích nuôi tôm chân trắng khoảng 105.000 ha, sản lượng 530.000 tấn, tạo động lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển ngành tôm đạt 4,5 tỉ USD vào năm 2020.

Ngoài ra, ngành tăng cường phát triển nuôi cá rô phi thâm canh trong ao ở đồng bằng Bắc Bộ, nuôi lồng bè ở Nam Bộ, phát triển nuôi nhuyễn thể và các loại thủy sản khác phù hợp với từng vùng, miền và thị trường.

Đối với tôm giống, ngành tăng cường kiểm soát chất lượng tôm giống, Tổng Cục Thủy sản cho hay ngành sẽ cố gắng kiểm soát chất lượng giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu, ngăn chặn việc tiêm chích tạp chất và tồn dư kháng sinh trong thủy sản nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Oai Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết hạn chế hiện nay trong sản xuất giống thủy sản ở Việt Nam là kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ còn yếu. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc.

muc tieu kim ngach xuat khau thuy san dat 105 ti usd nam 2019 co kha thi
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10,5 tỉ USD năm 2019 có khả thi?

Nhận diện thách thức năm 2019

Tổng Cục Thủy sản cho hay, năm 2019 còn nhiều khó khăn khi tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn.

Các rào cản kĩ thuật

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục sản, nhận định trong quá trình hội nhập mặc dù đã có hiệp định thương mại tự do nhưng các thị trường đặt ra các rào cản kĩ thuật để hạn chế nhập khẩu sản phẩm thủy sản nhập khẩu, bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Về tổ chức sản xuất, riêng đối với ngành cá tra, việc tổ chức sản xuất theo quy mô lớn đã rõ ràng. Tuy nhiên đối với các ngành khác, đặc biệt là ngành tôm, sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn nhiều.

Một số lĩnh vực mới như nuôi cá rô phi Việt Nam có tiềm năng phát triển nhưng mới ở giai đoạn đầu. Muốn phát triển hơn nữa, ngành cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Mức tăng trưởng ngành thủy sản hiện chưa đúng với tiềm năng

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng mức tăng trưởng trung bình 6%/năm của ngành thủy sản hiện nay chưa đúng với tiềm năng của ngành và nhu cầu lớn của thị trường.

Nếu khắc phục được những điểm tồn tại của ngành, tận dụng được những lợi thế của vác hiệp định thương mại tự do CPTPP hay EVFTA khi có hiệu lực, kèm theo đó nếu EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỉ USD hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trong đó, ngành tôm đạt trên 4 tỉ USD, cá tra đạt 2,3 tỉ USD và hải sản đạt 3,3 tỉ USD.

2018 là năm đầy thành công đối với cá tra nhưng cũng là năm “ảm đạm” với ngành tôm.

Theo VASEP, đây năm đầu tiên trong 20 năm cá tra có bước tăng trưởng ngoạn mục về giá và tổng kim ngạch của cả năm đạt 2,26 tỉ USD tăng 26,5% và là mức cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó các thị trường nhập khẩu lớn đã có nhiều chuyển biến tích cực với sự tăng trưởng mạnh mẽ giá trị xuất khẩu từ 15,6% - 50%.

Trong khi đó, kết thúc năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam không khả quan như mong đợi, giảm 7,8% so với năm 2017 đạt 3,55 tỉ USD.

Nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada giảm do có bão tuyết, trong khi tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc và EU cũng ở mức cao. Giá tôm Việt Nam trong quí II/2018 có lúc giảm 20 - 30%.

Tăng cường sản xuất theo chuỗi cung ứng

Bà Lan cho biết mặc dù ngành cá tra trong năm 2018 được đánh giá không phải là được mùa nhưng do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung thiếu hụt kéo theo giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh. Nhiều nơi ồ ạt tăng sản lượng khiến ngành phải suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược phát triển ngành này trong giai đoạn mới, trong đó tăng cường sản xuất theo chuỗi cung ứng.

Ông Luân cho biết hiện một doanh nghiệp lớn đã chủ động khu vực sản xuất, có nguồn vật tư đầu vào từ khâu sản xuất giống đến khâu chế biến. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp này còn chiếm tỉ lệ thấp.

Do vậy, để đảm bảo về vấn đề truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm đồng đều, các doanh nghiệp cần liên kết theo chuỗi cung ứng.

"Nếu không sản xuất theo chuỗi cung ứng, các hộ nhỏ lẻ rất khó đáp ứng về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc", ông Luân nhận định.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quỳnh