|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023: Còn nhiều thách thức

10:00 | 23/01/2023
Chia sẻ
Những nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam năm 2022 đã mang lại nhiều thành tựu đáng ghi nhận đối với du lịch nội địa song, với thị trường quốc tế, những con số đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.

Sau năm 2019 du lịch quốc tế tăng trưởng “thần kỳ”, dịch COVID-19 đã đến và thổi bay mọi thành quả. Cùng với những chiến lược phòng chống dịch bệnh, trong hai năm 2020 và 2021, du lịch Việt Nam gần như bị đóng băng.

Bước sang tháng 3/2022, Chính phủ chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế. Tuy nhiên, với những thách thức hậu COVID-19 như suy giảm kinh tế, thiếu hụt nguồn, vốn, nhân lực thì việc các doanh nghiệp phục hồi lại ngành du lịch quốc tế là rất khó khăn.

So với mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đặt ra hồi đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 3,5 triệu lượt. Việt Nam cũng đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế so với khu vực" dù chúng ta tuyên bố mở cửa trở lại du lịch quốc tế vào diện sớm nhất.

Với năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng,những con số này đặt ra thách thức không nhỏ. 

Dưới đây là một số ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch năm 2023. 

“Điểm nghẽn” mang tên visa

 TS. Lương Hoài Nam, Chuyên gia hàng không – Du lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB). (Ảnh: Hạ An).

Du lịch quốc tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong đó lớn nhất là vấn đề về visa. Trong khi Thái Lan miễn visa du lịch cho 65 nước, Việt Nam chỉ cho 24 nước, bao gồm các nước ASEAN.

Trong khi Thái Lan cho phép du khách lưu trú ở Thái Lan 90 ngày, được ra vào nhiều lần, Việt Nam chỉ cho phép 15 ngày và một lần. Với những hạn chế này, rất khó để du lịch Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan.

Visa hiện đang là khó khăn lớn nhất, là vấn đề nan giải nhất của du lịch, hàng không Việt Nam. Chúng ta muốn nhiều du khách đến, nhưng chính sách visa làm cho họ không muốn đến Việt Nam, mà chọn đi du lịch ở nước nào họ không cần làm visa.

Ngành du lịch Việt Nam còn phải khắc phục nhiều yếu điểm so với du lịch Thái Lan, nhưng việc cần làm đầu tiên là cánh cửa để du khách đến nước ta phải được rộng mở bằng một chính sách visa như Thái Lan.

Ngoài chính sách visa, Việt Nam còn hạn chế hơn Thái Lan về mức độ linh hoạt, nhạy bén. Từ tháng 10, du khách Nga đã trở lại Thái Lan và nhanh chóng trở thành nguồn du khách quốc tế lớn nhất ở Phuket, với 45.000 khách trong tháng 10, 55.000 khách trong tháng 11.

Trong khi đó, trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Việt Nam là điểm đến được du khách Nga và cả du khách Ukraine) ưa chuộng nhất ở Đông Nam Á.

Hiện nay, du khách Nga bị hạn chế về điểm đến khi đi du lịch khi như toàn bộ châu Âu “cấm cửa” bằng chính sách công bố công khai. Mỹ và nhiều nước khác cũng không chào đón du khách Nga.

Với việc nhiều đường bay giữa Việt Nam và Nga bị tạm dừng, các chuyến bay thuê gặp vấn đề về thủ tục cấp phép.

Chính vì vậy, mặc dù nước ta không cấm du khách Nga nhập cảnh, nhưng việc không có đường bay thuận lợi khiến du khách phải bay vòng qua Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ gây tốn kém thời gian và chi phí. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với Thái Lan tại thị trường Nga.

Hạn chế về đường bay quốc tế

 Khu nghỉ dưỡng Shilla Monogram Quangnam Danang (Ảnh: Vân Đoàn).

Shilla Monogram Quangnam Danang là khu nghỉ dưỡng vận hành bởi The Shilla Hotel & Resort – thương hiệu thuộc Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc.

Không chỉ với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam hiện đang có rất nhiều thế mạnh để thu hút khách du lịch quốc tế, song hạn chế đối với du lịch Việt Nam là việc phụ thuộc rất lớn vào mạng lưới bay quốc tế.

Nhiều du khách Hàn Quốc có nhu cầu đến du lịch tại Việt Nam nhưng việc chưa có sân bay tại thành phố gần nơi họ sinh sống khiến việc đi lại chở lại bất tiện và tốn kém. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thiếu vắng các sản phẩm du lịch chất lượng cao hay các cơ sở lưu trú được vận hành bởi các thương hiệu nổi tiếng.

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Shilla Monogram Quangnam Danang đã mở cửa đón khách từ tháng 3/2022. Sau gần một năm hoạt động, nhờ thị trường nội địa bùng nổ cũng như sự trở lại sớm của thị trường Hàn Quốc, công suất phòng hiện đạt khoảng 40-50%.

Tuy nhiên, những khó khăn sau đại dịch đã ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của khách hàng, họ ưa chuộng các dịch vụ có mức giá tầm trung nhiều hơn. Điều này khiến các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phân vân giữa lựa chọn giảm giá để mở rộng đối tượng khách hay đảm bảo chất lượng để giữ chân khách hàng ở những lần tiếp theo.

Tiềm năng phát triển khách đến từ thị trường Hàn Quốc và cả những thị trường khác trên thế phụ thuộc nhiều vào số lượng chuyến bay trong năm tới.

Với phân khúc du lịch cao cấp, trong năm tới, phân khúc này dự báo có nhiều tiềm năng hồi phục nếu số lượng chuyến bay quốc tế tiếp tục tăng trở lại. Tôi hy vọng rằng năm 2023-2024, du lịch Việt Nam sẽ tiệm cận với số lượng khách cao điểm năm 2019. 

Cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel tại sự kiện khai trương đường bay Hà Nội - Bangkok (Ảnh: Hạ An). 

Doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, vì vậy không thể có thể có một nền kinh tế khỏe mạnh nếu các tế bào của nền kinh tế đó ốm yếu. Hơn bao giờ hết, các bộ ngành, Chính phủ cần đồng hành cùng doanh nghiệp, kiến tạo chính sách để khơi thông thị trường.

Một khi hoạt động dịch vụ chưa quay lại được thì nền kinh tế khó lấy lại đà tăng trưởng bền vững, hàng không, du lịch chưa phục hồi thì chưa kéo được khách sạn, nhà hàng quay trở lại và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại, đầu tư.

Với ngành hàng không, có hai điểm tắc nghẽn. Thứ nhất là về hạ tầng hàng không của Việt Nam, các hãng muốn bay mà hạ tầng không đáp ứng được thì Cục Hàng không Việt Nam cũng rất khó để cấp phép. Mặc dù vậy, nên có sự xem xét cân nhắc để bố trí lượng slot nhất định cho các hãng bay mới đối với bay quốc tế.

Thứ hai là, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để có những chính sách ưu đãi về vốn tín dụng cho ngành hàng không để các hãng vượt qua các khó khăn. Mặc dù, Chính phủ đang có một số chính sách tài khoá nằm trong chương trình phục hồi và phát triển hay việc hỗ trợ lãi suất 2% nhưng hiện số lượng nhu cầu của doanh nghiệp khá lớn khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói này.  

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam. 

 

Nguyễn Thắm