Mục tiêu 500 nghìn doanh nghiệp ở TP HCM: Bi quan vì thuế
Việt Nam đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó TP HCM sẽ có một nửa và đây là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tại Diễn đàn CEO 2016, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng so với các nước cùng dân số hoặc cùng thu nhập bình quân đầu người thì số doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp. Các nước khác với bình quân 23 người dân trong một doanh nghiệp trong khi Việt Nam là 113 người.
Trong khi đó, với góc nhìn thực tế từ phía doanh nhân về mục tiêu nửa triệu doanh nghiệp của TP HCM, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Hồ tiêu Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Itimex TP HCM cho hay, giới doanh nhân đã có rất nhiều tranh luận và phần đông cho rằng điều này không thể thành hiện thực.
Bản thân ông Nam cũng đồng tình với thực trạng hiện tại thì con số trên sẽ không thành hiện thực. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này sẽ thành hiện thực và rất nhanh với điểm mấu chốt xuất phát từ cơ quan thuế.
Theo ông Nam, các cơ quan thuế khi tiếp xúc với doanh nghiệp họ không biết đâu là doanh nghiệp trốn thuế, để biết được thì phải tiến hành kiểm tra, nhưng khi kiểm tra thường xuyên thì doanh nghiệp rất khó hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp làm sai thì chấp nhận các hình thức xử phạt theo pháp luật, nhưng ông Nam cũng cho rằng phần đông các doanh nghiệp không có lỗi mà phần lớn là từ chính sách. Ông Nam chỉ ra thực trạng một văn bản thuế không rõ ràng thì bản thân doanh nghiệp sẽ vận dụng theo lợi thế của mình, nhưng khi làm việc thì cơ quan thuế lại truy theo hướng có lợi cho nhà nước và doanh nghiệp trở thành đối tượng trốn thuế. Điều này được coi là bài toán cực khó cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc truy hoàn thuế với những thời hạn như 10 năm, khiến tiền doanh nghiệp làm ra không nhiều bằng số tiền sẽ bị truy hoàn. Ông Nam nhìn nhận, những doanh nghiệp mạnh thì có thể tồn tại được, còn doanh nghiệp không đủ mạnh sẽ buộc phải ra đi.
Như vậy, để đạt được mục tiêu nửa triệu doanh nghiệp ở TP HCM, ông Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp sai thì xử lý, trường hợp chính sách sai thì nhà nước nên sửa đổi và không nên truy hoàn thuế của doanh nghiệp.
Trao đổi về con số doanh nghiệp mục tiêu, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố có một chương trình quan trọng là nâng cao chất lượng tăng trưởng và cạnh tranh trong sự hội nhập. Trước hết thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi, Chính phủ cũng đang làm hết sức tích cực trong việc này, ông Phong cho hay.
Mục tiêu nửa triệu trên không đồng nghĩa với việc thành phố chỉ quan tâm đến số lượng. Ông Phong cho hay, chính quyền thành phố tạo môi trường để tập đoàn lớn đủ mạnh có thể vươn lên, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Thành phố có các chiến lược phát triển doanh nghiệp để thúc đẩy chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ở góc nhìn khác, ông Sami Kteily – Chủ tịch HĐTV Công ty Nhà thép PEB lạc quan tiềm năng khởi nghiệp của Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam là quốc gia của những nhà khởi nghiệp. Việt Nam muốn phát triển 500 nghìn doanh nghiệp tại TP HCM nhưng đã có 950 nghìn doanh nghiệp phát triển thời gian qua trong khi các quốc gia lân cận như Philipines chỉ có 900 nghìn; Malaysia là 600 nghìn doanh nghiệp; Thái Lan có 2,7 triệu doanh nghiệp nhưng họ đã mở rộng, hội nhập nhiều và khởi nghiệp sớm hơn.
Do đó, ông Sami cho rằng doanh nghiệp Việt cần phải tự thân vận, xây dựng quản trị doanh nghiệp nếu Chính phủ chưa hỗ trợ đầy đủ. Khi đó Việt Nam có thể trở thành con hổ khởi nghiệp của Châu Á, ông Sami nhìn nhận.