Mục tiêu 3% dân số Việt Nam tham gia thị trường chứng khoán (Kì 1): Tại sao tiền không vào?
Tại sao VN-Index không tăng khi Việt Nam có nhiều dự báo tích cực
Giai đoạn 2016 đến quí đầu năm 2018, kênh đầu tư cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi thị trường trong giai đoạn "uptrend" (tăng giá - PV). Tuy nhiên, kênh đầu tư này trở nên kém hấp dẫn hơn khi VN-Index giảm điểm khi vừa đạt mốc đỉnh 1.200 điểm 10 năm về trước. Điều này làm không ít nhà đầu tư ngỡ ngàng và nằm ngoài kịch bản dự báo của nhiều tổ chức, thậm chí là các công ty chứng khoán.
Cảm giác chán nản xuất hiện ở nhiều nhà đầu tư khi VN-Index 'lên thang bộ, xuống thang máy' và mất hơn 300 điểm trong ba tháng, xuống mốc 893,16 điểm ngày 11/7/2018. Sau đó, thị trường có nhịp hồi trở lại lên mốc 1.023,62 điểm vào ngày 4/10/2018. VN-Index lại tiếp tục giảm xuống mức 888,69 điểm vào ngày 30/10/2018.
Diễn biến chỉ số
Sau giai đoạn đó, VN-Index có những nhịp tăng giảm ngắn hạn đan xen. Tuy nhiên, kháng cự tâm lí 1.000 điểm trở thành ngưỡng cản lớn của thị trường.
Một câu hỏi được đặt ra với nhiều NĐT trên thị trường, tại sao TTCK Việt Nam có nhiều dự báo thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, điểm đến từ dòng dịch chuyển vốn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, VN-Index lại khó vượt ngưỡng 1.000 điểm?
Đi cùng với diễn biến kém tích cực là việc thanh khoản thị trường sụt giảm liên tục. Nếu như đầu năm 2018, thị trường luôn có những phiên giao dịch với giá trị 6.000 - 7.000 tỉ đồng. Đến hiện tại, giao dịch thị trên thị trường đạt giá trị từ 3.000 - 4.000 tỉ đồng mỗi phiên. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, có những phiên nhà đầu tư chỉ khớp lệnh hơn 1.000 tỉ đồng buổi sáng.
Trên những diễn đàn chứng khoán, câu chuyện nhà đầu tư bình luận việc tiền không vào thị trường chứng khoán trở nên sôi nổi hơn. Với bối cảnh TTCK trở nên kém 'hút khách', liệu mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường chiếm 3% dân số vào cuối năm 2020 được Chính phủ đặt ra có đạt được?
Việt Nam có hơn 2,3 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán
Dữ liệu thống kê từ Trung tâm Lưu kí Chứng khoán Việt Nam (VSD) về số lượng tài sản nhà đầu tư, tính đến ngày 31/8, thị trường chứng khoán Việt Nam có 2.321.049 tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng 18.105 tài khoản so với cuối tháng 7. So với thời điểm đầu năm 2019, tổng số tài khoản trên thị TTCK Việt Nam tăng 138.722 tài khoản.
Số lượng tài khoản của NĐT trong nước là 2.290.062, gồm 2.280.202 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 9.860 tài khoản giao dịch của tổ chức.
Tổng số lượng tài khoản của NĐT nước ngoài tính đến cuối tháng 8 là 30.987 tài khoản, tăng 2.693 tài khoản so với thời điểm đầu năm. Trong đó, số tài khoản của NĐT nước ngoài cá nhân là 27.396 và 3.591 tài khoản của NĐT tổ chức.
Thống kê số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán trên TTCK trong 8 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Phan Quân tổng hợp
Với những con số như vừa nêu, nhà đầu tư tổ chức đang chiếm 0,58% tài khoản trên thị trường và NĐT cá nhân áp đảo với tỉ lệ 99,42%.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc công bố tại website danso.org, dân số Việt Nam hiện khoảng 97,61 triệu người. Như vậy, số lượng tài khoản của NĐT trong nước hiện đang chiếm khoảng 2,3%.
So sánh số liệu cuối năm 2018, tại Trung Quốc (khoảng 10% dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán), Malaysia (18%), Singapore (32%) và Mỹ (khoảng 60%), cho thấy thị trường chứng khoán vẫn còn khá xa lạ với người dân Việt Nam.
TTCK Việt Nam cần thêm 610.000 tài khoản để hoàn thành mục tiêu
Nếu giả định mỗi người sử dụng một tài khoản giao dịch chứng khoán, thì hiện nay ở Việt Nam cứ 1.000 người thì có 23 người có tài khoản. Điều đáng nói, nếu mỗi cá nhân sử dụng nhiều hơn hai tài khoản giao dịch chứng khoán, con số kia còn thấp hơn so với những gì đưa ra.
Tại đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng để năm 2025 theo Quyết định 242 công bố ngày 28/2/2019, mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số. Đến năm 2025, con số này được nâng lên 5% dân số.
Lấy dữ liệu tạm tính dân số Việt Nam như trên và giả sử, thị trường chứng khoán Việt Nam phải có khoảng 2,93 triệu tài khoản để hoàn thành mục tiêu được Chính phủ đề ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 610.000 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới trong 16 tháng tới. Ước tính số lượng tài khoản mở thêm bình quân phải đạt 38.125 tài khoản mỗi tháng để hoàn thành mục tiêu đề ra.
38.125 tài khoản mở thêm mỗi tháng có khả thi với TTCK Việt Nam?
Nhìn lại dữ liệu lịch sử, vào tháng 2/2018, TTCK Việt Nam ghi nhận số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở thêm đạt mức cao nhất 5 năm là 41.505 tài khoản. Đó là thời điểm thị trường trong giai đoạn hưng phấn khi VN-Index đang trên đà chinh phục mốc 1.200 điểm thiết lập 10 năm về trước.
Tuy nhiên, cũng phải nói đến việc giảm đến 10.718 tài khoản giao dịch chứng khoán trên TTCK Việt Nam vào tháng 5/2016. Trung bình từ tháng 1/2016 đến tháng 8/2019, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tăng bình quân 17.231 tài khoản mỗi tháng.
Nguồn: Phan Quân tổng hợp
Những con số nêu ra bên trên cho thấy con số 38.125 tài khoản giao dịch mở thêm mỗi tháng không hề nhỏ. Tuy nhiên, đâu là điểm hấp dẫn để nhà đầu tư mới tham gia thị trường nhằm gia tăng số lượng tài khoản chứng khoán mới là chìa khóa của vấn đề.
Trong bài tiếp theo, người viết có cuộc trao đổi với đại diện các công ty chứng khoán về việc tại sao NĐT đang thờ ơ với kênh đầu tư chứng khoán và điều gì giúp thu hút NĐT mới tham gia để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra vào cuối năm 2020.