Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp ngày càng xa vời
[Phần 1] Doanh nghiệp châu Á chống chọi với chiến tranh thương mại ra sao? |
Chính sách hỗ trợ vay vốn thông thoáng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đào tạo lao động - Ảnh: K.Linh |
Mỗi năm, phải thêm 130 nghìn DN mới
Theo số liệu tổng điều tra kinh tế 2017 (thực hiện 5 năm một lần) được Tổng cục Thống kê công bố hôm qua (19/9), tại thời điểm 1/7/2017 cả nước có hơn 517,9 nghìn DN nhưng số lượng hoạt động thực tế là 505,1 nghìn DN. Theo mục tiêu được Chính phủ đặt ra, tới năm 2020 cả nước phấn đấu đạt 1 triệu DN. Số lượng DN tăng thêm để đạt mục tiêu này chủ yếu từ nguồn thành lập mới và khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể có điều kiện chuyển đăng ký sang mô hình DN.
Tính bình quân, vốn của một DN nói chung năm 2016 là 51,6 tỷ đồng thì vốn của 1 DNNN lên tới 3 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 97,5 lần doanh nghiệp ngoài Nhà nước và gấp 8,3 lần so với doanh nghiệp FDI. |
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Để đạt mục tiêu 1 triệu DN nói trên, từ nay tới hết năm 2020 mỗi năm cả nước phải có thêm 120 nghìn DN thành lập mới. Tuy nhiên, đó là chưa kể trong thời gian này không có số DN phá sản, giải thể. Do đó, bình quân một năm số DN thành lập mới phải tăng trên 130 nghìn DN từ nay tới năm 2020. Đối chiếu với tốc độ thành lập DN mới của năm 2016 là 126,9 nghìn DN và năm 2017 là 110 nghìn DN, ông Lâm nhận định sẽ “không đạt mục tiêu 1 triệu DN”.
Kể cả khi thực hiện giải pháp khuyến khích khu vực kinh tế cá thể và hợp tác xã lớn chuyển lên DN thì số lượng tăng thêm cũng chỉ tương đương 103 nghìn DN (2,3% trong số 5,14 triệu hộ kinh doanh cá thể).
Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mục tiêu 1 triệu DN có thể đạt được nếu có giải pháp đầy đủ khuyến khích, hỗ trợ DN mới khởi nghiệp thành công. Để làm được điều đó, giải pháp cơ bản phải đáp ứng là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, có môi trường kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh hơn các thủ tục cản trở điều kiện kinh doanh của DN. “Quan trọng là chính sách hỗ trợ cho vay vốn thông thoáng để DN đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo lao động”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
DNNN: Vay vốn nhiều, hiệu quả thấp
Trong 517,9 nghìn DN hiện nay, nếu chia theo thành phần thì số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm tỷ lệ 0,5%. Nhưng nguồn vốn của khu vực này chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực DN và cao hơn cả nguồn vốn của khu vực FDI (chiếm 18,1%).
Tuy vậy, xét về cơ cấu, vốn DNNN chủ yếu là vốn vay, còn vốn chủ sở hữu của khu vực này so với tổng nguồn vốn chỉ chiếm 23,2% trong khi tỷ lệ này của khu vực DN ngoài Nhà nước là 30,7% và của khu vực FDI là 39,6%.
Xét về hiệu quả kinh doanh, tốc độ doanh thu thuần của khu vực FDI tăng mạnh nhất: 134,5%, khu vực DN ngoài Nhà nước 78,8% thì khu vực DNNN chỉ 16,7%. Xét về hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) khu vực FDI đạt 6,9%, cao nhất và vượt trội so với hai loại hình còn lại là khu vực DNNN 2,6% và DN ngoài Nhà nước 1,4%.
Tuy nhiên, bình quân một DNNN đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước. Đơn cử, năm 2016, thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân một DNNN là 104 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với khối FDI là 18 tỷ đồng và DN ngoài Nhà nước 1 tỷ đồng.
Giải thích rõ hơn, bà Lê Thị Duyên Hải, Cục trưởng Cục Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế bóc tách: Sở dĩ, DNNN có số nộp ngân sách cao nhất là do không chỉ tính trên số thuế thu nhập DN mà còn tính cộng cả các khoản khác như cổ tức sau thuế do các DNNN dùng vốn Nhà nước để kinh doanh. Cụ thể, cổ tức các DNNN phải nộp về ngân sách năm 2016 là 67 nghìn tỷ đồng, năm 2017 là 65 nghìn tỷ đồng. “Có thể nói, đây là đóng góp lớn, làm cho cơ cấu đóng góp tính chung của các DNNN lớn”, bà Hải nói.