|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mức tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh chững lại

18:02 | 19/10/2016
Chia sẻ
Tại cả 6 thành phố lớn của Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh đều chững lại trong quý 3, với mức tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo báo cáo công bố ngày 19/10 của Nielsen, sau tăng trưởng vào quý 2, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã chững lại trong quý 3 ở cả 6 thành phố Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng.

Mức tăng trưởng quý 3 chỉ đạt 4,3% so với cùng kỳ năm trước, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng sản lượng với 3,5%, đó là thông tin từ báo cáo Market Pulse.

Sự phục hồi tăng trưởng diễn ra ở tất cả các ngành lớn. Thức uống (bao gồm bia) có đóng góp lớn nhất vào doanh số tiêu dùng nhanh trong quý, với 41%, thực phẩm tăng trưởng 7,8%, sữa 1,3%, sản phẩm chăm sóc gia đình 8,2%, sản phẩm chăm sóc cá nhân 3,9%, thuốc lá 5,1%, trừ ngành hàng sản phẩm chăm sóc em bé.

Trong khi đó tại khu vực nông thôn, ngành hàng sản phẩm chăm sóc gia đình chỉ duy trì ở mức 0,1%, ngành hàng thực phẩm lại giảm xuống mức 0,3%. Kết quả này cho thấy ngành hàng FMCG tại 6 thành phố lớn vẫn duy trì ổn định, trong khi khu vực đô thị còn lại và vùng nông thôn đã chững lại.

muc tang truong nganh hang tieu dung nhanh chung lai

Tăng trưởng ngành hàng FMCG tại thành thị và nông thôn

(Nguồn: Báo cáo Market Pulse quý 3/2016 của Nielsen)

“Đã đến lúc các nhà sản xuất phải bước ra khỏi vùng an toàn, đó là 6 thành phố lớn. Cộng đồng nông thôn Việt Nam chiếm 68% của 90 triệu dân và khu vực này đóng góp vào 51% doanh số bán hàng FMCG. Hơn nữa, người dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục, và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua”, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ nhận định.

Báo cáo cho biết, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ ý kiến của gia đình, bạn bè, người tiêu dùng nông thôn còn có phản ứng tích cực với các khuyến nghị của các nhà bán lẻ. 9 trong 10 (tương đương 90%) nhà bán lẻ giới thiệu sản phẩm cho người mua hàng, và trung bình đạt được tỷ lệ gần 1 trong 3 người mua sản phẩm được đề nghị bởi các nhà bán lẻ (tương đương 31%).

Khuyến nghị của nhà bán lẻ có thể là một hình thức quan trọng nhằm nâng mức tiêu thụ một thương hiệu, khi có đến 27,5 triệu người mua sắm ghé các cửa hàng bán lẻ mỗi ngày.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh: “Nhà sản xuất phải kết nối và “giữ lại” những người ủng hộ cho thương hiệu của bạn để tận dụng sức mạnh của lời nói, các nhà bán lẻ trở thành đòn bẩy làm đại sứ thương hiệu khá quan trọng. Và các nhà sản xuất cũng nên dựa vào sức mạnh của truyền hình đại chúng trong khi vẫn tập trung vào kênh truyền thông kỹ thuật số để kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi”.

Báo cáo Market Pulse của Nielsen dứa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng FMCG, trên những nhóm sản phẩm chính. Mục đích nhằm theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ.

Linh Lê