|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mức giảm trừ gia cảnh thay đổi ra sao kể từ khi Luật Thuế TNCN ra đời?

08:00 | 26/07/2024
Chia sẻ
Trải qua ba lần sửa đổi, từ năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh của bản thân người nộp thuế TNCN đã tăng lên 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh này đã không còn phù hợp với thực tế, cần sớm nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tương xứng với chi phí sinh hoạt.

Kể từ năm 2009 đến nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã trải qua nhiều lần sửa đổi, từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng với bản thân người nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, từ năm 2011 - 2022, số thu thuế thu nhập cá nhân luôn tăng theo từng năm. Đặc biệt, năm 2022 tăng cao kỷ lục, đạt gần 167.000 tỷ đồng, đóng góp lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước. Số thu năm 2023 và dự toán năm 2024 tuy có giảm so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn số thu của các năm từ 2021 trở về trước.

Số thu thuế TNCN qua các năm (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp số liệu Tổng cục Thuế).

Nhìn lại 15 năm qua, đã có ba lần tăng mức giảm trừ gia cảnh: Từ năm 2009 - 6/2013, từ tháng 7/2013 - 6/2020 và từ tháng 7/2020 - nay.

Từ năm 2009 - 6/2013

Ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. 

Theo đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. 

Giảm trừ gia cảnh được chia thành hai phần, gồm: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc.

Tại thời điểm năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) được áp dụng với bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu/tháng.

Từ tháng 7/2013 - 6/2020

Đến Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế đã được nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Đồng thời, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 cũng quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Từ tháng 7/2020 đến nay

Ngày 2/6/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954, nâng mức giảm trừ gia cảnh từ ngày 1/7/2020.

Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh của bản thân tăng từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nâng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh này vẫn đang được tiếp tục áp dụng đến hiện tại.

Sau hơn 4 năm duy trì, mức giảm trừ gia cảnh này được các chuyên gia đánh giá là đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tế.

Biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) (Nguồn: Wichart).

"Từ ngày 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở đã tăng thêm 30%, tuy nhiên, phần thu nhập tăng thêm đó sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, điều này vô hình trung đã làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương", GS. TS Hoàng Văn Cường cho biết tại Toạ đàm "Nhanh chóng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân" hồi đầu tháng 7.

Mặt khác, trong giai đoạn 15 năm qua, lạm phát cũng nhiều năm tăng mạnh như: Năm 2011, lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%. Năm 2012, lạm phát giảm từ 18,6% xuống còn 9,2%. Năm 2016, lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%. Và năm 2023, lạm phát giảm còn 3,25%. Giá các mặt hàng thiết yếu, chiếm gần hết thu nhập của người dân đã tăng rất cao so với năm 2009.

Vì vậy, tại kỳ họp Quốc hội khoá XV vừa qua, nhiều ý kiến kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế theo hướng tỷ lệ thuận với mức tăng của lương để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Việc không điều chỉnh kịp thời mức giảm trừ gia cảnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.

Anh My

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.