Chuyên gia: 'Giảm trừ gia cảnh 16 - 18 triệu đồng/tháng mới đảm bảo mức sống tại Hà Nội và TP HCM'
Phát biểu tại tọa đàm "Nhanh chóng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng với mức chi tiêu của một hộ gia đình ở Hà Nội hay TP HCM thì ngưỡng chịu thuế của bản thân người nộp thuế có thể nâng lên khoảng 16 - 18 triệu đồng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc có thể nâng lên khoảng 6 - 8 triệu đồng.
"Như vậy mới có thể nuôi được một người con hay là một người bố mẹ già mà vẫn đảm bảo có được mức sống trung bình", ông nói.
Theo ông Thịnh, đã có nhiều chuyên gia đề nghị cần xem xét đóng thuế thu nhập cá nhân theo vùng miền. Luật hiện hành đang quy định 6 vùng, mỗi vùng có mức thu nhập khác nhau và chi tiêu khác nhau. Giá cả ở các vùng đó cũng khác nhau. Theo thống kê củaBộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, thì mức chênh lệch thu nhập giữa khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn khoảng 1,34 lần.
Thêm vào đó, đây là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, lên tới 30%. Vì vậy, người lao động rất trông chờ khi lương tăng lên, thu nhập cao hơn thì đời sống sẽ được nâng lên.
Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình trạng nhiều cá nhân trước đây thu nhập khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng, sau khi tăng thêm 30% sẽ lọt vào top phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Họ sẽ cảm thấy vừa mừng vừa lo vì không biết mình phải đóng bao nhiêu và cuộc sống có được cải thiện nhiều không.
Do đó, ông đánh giá việc phải chỉnh sửa ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân là vô cùng cần thiết. Có thể thay đổi được ngưỡng chịu thuế theo vùng là một việc tốt. Nhưng muốn có cơ sở để thay đổi ngưỡng chịu thuế thì cần phải có thống kê, tính toán đầy đủ của các cơ quan quản lý, để từ đó có thể thay đổi ngưỡng chịu thuế phù hợp.
Nên bổ sung thêm giảm trừ chi tiêu hợp lý
Tại buổi toạ đàm, GS. TS. Hoàng Văn Cường cho biết, để Luật Thuế thu nhập cá nhân có thể hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan, cần chú trọng vào việc xác định mức chịu thuế, bởi điều này sẽ tác động tới cả hai phía.
Ông cho rằng việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân cần thực hiện sao cho đối tượng chịu thuế khi phải đóng thuế không bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bình thường, phần còn lại tích lũy họ phải có nhiệm vụ đóng góp cho nhà nước. Đồng thời, phải thúc đẩy họ sản xuất nhiều hơn, thu nhập nhiều hơn, khuyến khích tiêu dùng.
Vì vậy, ông kiến nghị, nên bổ sung thêm không chỉ được giảm trừ gia cảnh mà cần phải có thêm giảm trừ chi tiêu hợp lý mà người nộp thuế chứng minh được để thực hiện đúng mục đích của việc đánh thuế là khuyến khích tiêu dùng.
Theo ông Cường, sửa luật phải hướng tới mục tiêu kích thích tạo ra thu nhập, khuyến khích tiêu dùng hơn là chỉ bỏ tiền vào túi hoặc là dùng đầu tư. Nhiều quốc gia chỉ đánh thuế phần thu nhập dư ra, được sử dụng để tích luỹ. Nếu thu nhập cao lên nhưng không mang yếu tố tích luỹ thì không đánh thuế. Thêm nữa, mức chịu thuế sẽ giúp cơ quan quản lý có được nguồn thu thỏa đáng để điều tiết, điều chỉnh cung cấp các dịch vụ xã hội cho những người thu nhập thấp.
Đồng quan điểm với GS. TS. Hoàng Văn Cường, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cần phải xem lại giảm trừ trong thu nhập cá nhân. Tại nhiều quốc gia, những khoản chi tiêu hợp lý có thể phát sinh đột xuất như ốm đau, bệnh tật, đầu tư… đều được trừ khỏi thu nhập chịu thuế.
Lấy từ ví dụ nước Mỹ, ông cho biết, quốc gia này đánh thuế dựa trên cơ sở lấy thu nhập trừ đi chi tiêu hợp lý, kể cả các chi tiêu về đào tạo, về nâng cao kỹ năng lao động cũng như là các chi tiêu khác. Như vậy, những người có thu nhập đi mua ô tô, mua nhà, mua đồ tiêu dùng để sử dụng trong đời sống càng nhiều thì họ càng ít phải nộp thuế.
Nguyên tắc nộp thuế này khuyến khích những người tài, người có thu nhập rất cao đầu tư cho quá trình sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực, để họ từ đó tạo ra công ăn việc làm và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.