|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng lớn nhất thế giới bị vạ lây khi 'nỗi đau' Trung Quốc lan rộng

11:51 | 05/08/2019
Chia sẻ
Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất của Trung Quốc (big four), nhóm kiểm soát hơn 14.000 tỉ USD tài sản, đã ghi nhận mức định giá thấp kỉ lục vào ngày 5/8 trong bối cảnh lo ngại rằng Chính phủ sẽ "khuyến khích" họ hỗ trợ cho các ngân hàng nhỏ hơn.

Ngân hàng lớn phải "hỗ trợ" các ngân hàng yếu kém theo dàn xếp của Chính phủ

Theo đưa tin từ Bloomberg, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng có tài sản lớn nhất thế giới, đã mất 11 tỉ USD giá trị thị trường vào tuần trước sau khi bơm vốn để hỗ trợ một ngân hàng đang gặp khó khăn theo dàn xếp của Chính phủ.

Những ngân hàng lớn của Trung Quốc từ lâu đã hi sinh một phần lợi nhuận dưới danh nghĩa dịch vụ quốc gia, nhưng tình hình đó ngày càng trở nên đáng lo ngại khi áp lực cạnh tranh gia tăng đối với các ngân hàng trong khu vực, cả ở thành phố và nông thôn.

Screen Shot 2019-08-05 at 11

Các ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc được theo dõi bởi UBS Group AG cần khoảng 349 tỉ USD vốn mới từ huy động để không cần sự hỗ trợ từ những "ông lớn" như ICBC. 

Đối với các cổ đông, với những lo ngại về cuộc chiến thương mại, sự gia tăng của các công ty và tăng trưởng kinh tế chậm lại là một lí do khác để bán ra cổ phiếu.

Alicia Garcia Herrero, Kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis SA, Hong Kong, cho biết: "Các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước rõ ràng đang bị áp lực bởi thị trường rằng họ sẽ cần phải thâu tóm một phần các ngân hàng nhỏ và yếu kém hơn."

ICBC từ chối bình luận về vấn đề này. Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc và bộ phận truyền thông tại các ngân hàng lớn khác (China Construction Bank Corp, Bank of China Ltd., và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ltd.) cũng đã không đưa ra câu trả lời trước yêu cầu bình luận.

Sẽ có nhiều tổ chức tín dụng nhỏ gặp vấn đề

Bốn ngân hàng lớn của Trung Quốc đã nắm giữ hệ thống ngân hàng trị giá 40.000 tỉ USD của nước này trong nhiều thập kỉ qua. Và trong những năm gần đây, hệ thống này đã chứng kiến sự gia nhập của một số ngân hàng nhỏ. 

Nhiều ngân hàng trong số đó đã tự tài trợ qua việc quản lí tài sản, vay liên ngân hàng thay vì chỉ phụ thuộc vào tiền gửi của khách hàng.

Tuy nhiên, hoạt động của các ngân hàng nhỏ hơn này hiện đang bị siết chặt khi các nhà quản lí kiểm soát các phương thức tài trợ rủi ro và khi suy thoái kinh tế của Trung Quốc khiến các khoản nợ xấu gia tăng.

Đây là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm kể từ tháng 5, khi Bắc Kinh gây ngạc nhiên cho thị trường khi giành quyền kiểm soát Ngân hàng Baoshang, đây là lần đầu tiên Chính phủ nước này tiếp quản một ngân hàng trong hai thập kỉ qua. 

Sự kiện này diễn ra vào hai tháng sau khi ICBC và hai ngân hàng nhà nước khác bơm vốn vào Ngân hàng Jinzhou.

Screen Shot 2019-08-05 at 11

Các nhà phân tích dự đoán rằng sẽ có nhiều hơn 4.000 tổ chức tín dụng nhỏ sẽ gặp rắc rối và các ngân hàng lớn hơn sẽ được yêu cầu đóng một vai trò trong việc bảo vệ họ. 

Mặc dù về mặt lí thuyết, các nhà quản lí có thể cho phép những tổ chức này phá sản nhưng điều đó được coi là không thể xảy ra do Trung Quốc mong muốn duy trì sự ổn định tài chính. 

Khi các nhà chức trách áp đặt tổn thất cho một số ít chủ nợ của Baoshang Bank, điều này đã gây ra một cơn hoảng loạn nhỏ trên thị trường tài trợ liên ngân hàng chỉ lắng xuống sau khi ngân hàng trung ương quyết định bơm tiền để bù đắp.

"Các ngân hàng nhỏ hơn, khi họ cần vòi cứu hỏa, có thể sẽ bị nuốt vào bởi các ngân hàng lớn hơn, nơi họ có thể biến mất", ông Christopher Balding, Phó giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam, người đã viết nhiều về nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Quốc cho hay.

Các nhà đầu tư đã phản ứng với hiện tượng này khi tỉ lệ giá cổ phiếu niêm yết của nhóm "big four" trên giá trị sổ sách (P/B) và tổng tài sản ròng chạm mức thấp kỉ lục. Các cổ phiếu được giao dịch vào ngày 5/8 với P/B trung bình là 0,61, giảm xuống dưới mức thấp vào tháng 2/2016.

-1x-1

P/B của các ngân hàng lớn Trung Quốc ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều năm

Theo Terry Sun, nhà phân tích của CMB International Securities Ltd., đối với các nhà đầu tư dài hạn, đây có thể là thời điểm tốt để mua vào.

"Các nhà chức trách Trung Quốc dường như không thể buộc các ngân hàng lớn phải chịu nhiều hơn những gì họ có thể xử lí", Jim Stent, tác giả của Chuyển đổi ngân hàng Trung Quốc cho hay.

Ông cho rằng ngay cả khi bạn đưa ra một số giả định khá nghiêm trọng về số lượng ngân hàng nhỏ mà nhóm ngân hàng lớn cần phải tiếp quản, bạn có thể sẽ thấy rằng nó rất hiếm khi ảnh hướng lớn đến lợi nhuận và bảng cân đối của các ngân hàng lớn.

4 ngân hàng lớn này đã báo cáo lợi nhuận gộp 140 tỉ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Bloomberg.

Kinda Lei, Nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co. lại tỏ ra ít lạc quan hơn. Trong một báo cáo ngày 29/7, bà thể hiện một cái nhìn thận trọng hơn đối với cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc. 

Các lí do bà chỉ ra là sự khó khăn của các ngân hàng nhỏ và rủi ro hoạt động của các doanh nghiệp và áp lực từ chính phủ nhằm giảm lãi suất cho người vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Các trường hợp của Baoshang và Jinzhou Bank sẽ không có hồi kết và các ngân hàng lớn có thể được đưa vào để giải quyết các vấn đề của chính ngân hàng nhỏ này.

Diệp Bình