|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Mua lại cổ phần ACV: Bán 'hớ' khi IPO và hành trình 'gom' cổ phiếu của khối ngoại

16:10 | 04/09/2019
Chia sẻ
Được biết, khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu ACV kể từ khi mã này giao dịch trên UPCoM. Đáng chú ý, hoạt động 'gom' tập trung trong giai đoạn IPO và khi giá mã này dưới 50.000 đồng/cp.

Đề xuất mua lại cổ phần ACV, ai sẽ bán cho nhà nước?

Thông tin mới đây, Bộ Giao thông vận tải đưa ra đề nghị nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ tại TCT Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV). Theo đó, ACV sẽ trở thành trở thành doanh nghiệp Nhà nước. Mục đích là để đảm bảo cao nhất về an ninh, quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Được biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện là cổ đông lớn nhất đang sở hữu 2,076 tỉ cổ phiếu ACV, tương đương 95,4% vốn điều lệ của công ty. Ngoài ra, công đoàn của công ty cũng sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu, tương đương 0,14% số cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, hai tổ chức trên đang sở hữu 95,54% vốn điều lệ ACV.

Với phương án của Bộ Giao thông vận tải, nhà nước sẽ phải mua lại 4,46% số cổ phần đang lưu hành của ACV, tương đương 97,1 triệu cổ phiếu. 

Theo số liệu tổng hợp của người viết, nhà đầu tư nước ngoài đang là nhóm cổ đông ngoài nhà nước lớn nhất nắm giữ gần 78,73 triệu cổ phiếu trong số 97,1 triệu cp trên.

Được biết, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục gia tăng sở hữu cổ phiếu ACV khi đơn vị này giao dịch trên UPCoM vào tháng 11/2016.

Theo số liệu tổng hợp từ ngày 21/11/2016 đến ngày 3/9/2019, nhà đầu tư nước ngoài mua vào tổng cộng hơn 83,5 triệu cổ phiếu ACV với giá trị 5.615,3 tỉ đồng và bán ra hơn 68,9 triệu cp với giá trị 4.880,8 tỉ đồng.

Như vậy, kể từ khi lên UPCoM đến đầu tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài mua vào gần 14,6 triệu cổ phiếu ACV với giá trị 734,5 tỉ đồng. 

Với kết quả mua vào như vậy, khối ngoại gia tăng số lượng cổ phiếu ACV sở hữu lên gần 78,73 triệu đơn vị tại ngày 3/9, tương đương 3,62% vốn điều lệ của công ty. 

Trong đó, nhà đầu tư tổ chức đang sở hữu gần 77,5 triệu cp, tương đương 3,56% vốn điều lệ. Quĩ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc VinaCapital có tổng tài sản gần 930 triệu USD cũng đang phân bổ 8,5% vào cổ phiếu ACV (31/7), tương đương giá trị 79,05 triệu USD (1.820 tỉ đồng). Ước tính, quĩ này đang sở hữu gần 22 triệu cổ phiếu ACV.

So với thời điểm 30/5/2016 - trước khi giao dịch trên UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài chỉ sở hữu hơn 64,2 triệu cổ phiếu ACV, tương đương 2,95% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nắm giữ hơn 63,86 triệu đơn vị, tương đương 2,93% vốn điều lệ của ACV.

ACV1

Hành trình khối ngoại gom vào cổ phiếu ACV?

Được biết, hoạt động mua ròng của khối ngoại diễn ra liên tục khoảng thời gian sau một năm cổ phiếu ACV đăng kí giao dịch trên UPCoM (21/11/2016 đến 10/11/2017). Trong khoảng thời gian này, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 622 tỉ đồng cổ phiếu ACV với khối lượng gần 13,1 triệu đơn vị.

Trước đó, khi giá cổ phiếu ACV lình xình trong khoảng 40.000 – 50.000 đồng/cp (tháng 11/2016 đến tháng 8/2017), khối ngoại mua ròng 576 tỉ đồng mã ACV với khối lượng 12,35 triệu đơn vị. Đây là giai đoạn khối ngoại mua ròng mã này mạnh nhất. Sau khi cổ phiếu ACV vượt qua nền giá 50.000 đồng/cp, hoạt động mua ròng của khối ngoại yếu dần. 

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng mạnh cổ phiếu ACV khi giá vượt ngưỡng 80.000 đồng/cp. Thống kê từ ngày 12/11/2017 - 20/3/2018, khối ngoại bán ròng gần 1,7 triệu cp ACV, tương đương giá trị 173,7 tỉ đồng. 

Đỉnh điểm, phiên giao dịch ngày 28/2/2018, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 47,4 tỉ đồng cổ phiếu ACV trong vùng giá 94.000 - 96.000 đồng/cp, ghi nhận phiên bán ròng 'xả' nhất của khối ngoại kể từ khi mã này giao dịch trên UPCoM.

Sau giai đoạn 'mua đáy, bán đỉnh' trên, khối ngoại mua bán đan xen khi giá cổ phiếu ACV lình xình trong vùng giá 80.000 - 90.000 đồng/cp. Thống kê từ ngày 2/4/2018 đến ngày 3/9/2019, khối ngoại mua ròng tổng cộng gần 3,2 triệu đơn vị với giá trị hơn 286 tỉ đồng.

ACV - 'Món hời' của khối ngoại trong khi nhà nước đã 'bán hớ'?

Với thống kê trên cho thấy nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh nhất mã ACV khi giá cổ phiếu này dưới 50.000 đồng/cp. Nếu so sánh với hoạt động 'gom' cổ phiếu trên UPCoM, việc khối ngoại mua vốn ACV khi đơn vị này cổ phần hóa hấp dẫn hơn đáng kể. 

Phiên đấu giá ngày 10/12/2015 tại HOSE, toàn bộ hơn 77,8 triệu cổ phần đem ra đấu giá đều được bán hết với giá đấu bình quân 14.344 đồng/đơn vị, cao hơn mức giá khởi điểm 2.544 đồng. Giá trúng cao nhất là 38.300 đồng/cổ phần, giá trúng thấp nhất là 13.100 đồng/cổ phần. 

Phiên đấu giá có 152 nhà đầu tư trúng giá, trong đó có 133 nhà đầu tư cá nhân và 19 tổ chức. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua 63,7 triệu cổ phần, tương đương 82% lượng cổ phần đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua được 'món hời' khi mua cổ phần đấu giá tại ACV.

Với diễn biến giá cổ phiếu ACV trong 3 năm gần đây, dù mua trong giai đoạn IPO hay khi giao dịch trên UPCoM, khoản đầu tư vào ACV vẫn là lựa chọn hấp dẫn đối với khối ngoại. Trái với diễn biến biến trên, nếu mua lại cổ phiếu ACV theo giá thị trường quanh vùng 80.000 đồng/cp, nhà nước được xem như đã 'bán hớ' cổ phần ACV?

Phan Quân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.