|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mùa đông tiền ảo kéo đến, ông lớn Coinbase hụt hơi trước các đối thủ

21:14 | 06/08/2022
Chia sẻ
Trong chưa đến 1 năm, từ một ông lớn tiền mã hoá, Coinbase tỏ ra hụt hơi với các "đàn em" như Binance hay FTX trong "mùa đông" tiền số, theo The New York Times.

Đầu tháng 4, Brian Armstrong, CEO của sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất nước Mỹ, đi khắp nơi trên thế giới để đưa ra một thông điệp quan trọng: Coinbase đang mang tiền điện tử đến Ấn Độ.

Trong một khán phòng ở Bangalore, Brian Armstrong nói rằng Coinbase lên kế hoạch mở một trung tâm tại Ấn Độ với 1.000 nhân sự vào cuối năm 2022. Coinbase cũng đang đầu tư vào nhiều startup Ấn Độ và cho phép khách hàng tại đây mua và bán tiền điện tử trên sàn giao dịch này.

Với Coinbase, đây là cơ hội để chuyển đổi mảng tài chính của một quốc gia có hơn 1 tỷ dân. Từ đó, Coinbase cũng có thể thuyết phục được thêm nhiều khách hàng mới trên khắp Châu Á.

“Namaster”, Brian Armstrong chào bằng tiếng Ấn và nói thêm rằng: “Chúng tôi đến với sự khiêm nhường và tôn trọng”.

Thế nhưng, cùng trong tuần đó, Coinbase đón nhiều tin xấu. Một nhóm được chính phủ ủng hộ đã phát đi thông điệp rằng Coinbase sẽ không thể dùng một nền tảng thanh toán thiết yếu. Đây là hệ thống cho phép khách hàng của Coinbase đổi từ đồng rupee sang đồng tiền ảo như Bitcoin hay Ether. Không lâu sau buổi ra mắt hoành tráng, Coinbase tạm dừng phần lớn dịch vụ giao dịch của mình ở Ấn Độ.

Coinbase là một trong những công ty tiền mã hoá lớn đầu tiên trên thế giới và được xem là một cánh cổng dẫn vào thế giới đầy sự lộn xộn của tài sản số dành cho các nhà đầu tư nghiệp dư. Thế nhưng, trong lúc công ty này phát triển từ một startup trở thành một công ty đại chúng, vị trí dẫn đầu thị trường của nó liên tục bị đe doạ bởi nhiều sai lầm và tình hình thị trường tiền mã hoá đi xuống trong 6 tháng trở lại đây.

 Brian Armstrong trong một trang phục truyền thống của Ấn Độ hồi tháng 4. (Ảnh: Bloomberg). 

Khởi đầu không suôn sẻ ở Ấn Độ, một thị trường tiềm năng chưa được khai phá, khiến giá cổ phiếu của công ty lao dốc. Hồi tháng 6, Coinbase cũng sa thải 18% định biên nhân sự của mình.

Trong nhiều năm, Coinbase luôn muốn trở thành một Google của thế giới mã hoá, đồng nghĩa với việc là một công ty với tầm phủ sóng toàn cầu và cung cấp đa dạng dịch vụ.

Thế nhưng, hiện tại, Coinbase dường như đang để mất vị thế của người đi trước khi các đối thủ nhỏ hơn như FTX và Binance vẫn tăng trưởng mạnh khi công ty này đi xuống, The New York Times nhận định từ việc phỏng vấn các chuyên gia tiền mã hoá cùng 23 nhân viên hiện tại cũng như cựu nhân viên của Coinbase.

“Họ đang trong tình hình rối loạn”, Dan Dolev, một nhà phân tích của công ty tài chính Mizuho, nhận định. “Đây là một cơn bão hoàn hảo”.

Bên trong Coinbase, một số người nói rằng những rắc rối mà Coinbase gặp phải đến từ những chiến lược sai lầm của Brian Armstrong khi muốn biến Coinbase thành một “người khổng lồ” trong lĩnh vực mã hoá. Khi giá tiền mã hoá tăng, Coinbase tuyển thêm hàng nghìn nhân sự mới khiến công ty phình to và tình trạng bội chi trầm trọng thêm.

Một số nhân sự mới tuyển đến từ các “ông lớn” công nghệ như Google và Meta, bao gồm nhiều nhân sự cấp cao. Lúc này, một số nhân viên Coinbase nói rằng họ không thể nhận ra hình ảnh của công ty so với Coinbase của những năm đầu dẫn đầu thị trường tiền số với nhiều lãnh đạo thiếu kinh nghiệm trong ngành.

Mặc dù khởi động sớm, Coinbase chưa từng có vị thế mạnh ở thị trường quốc tế, vốn là sân chơi của Binance. Coinbase đến Ấn Độ bất chấp nhiều hoài nghi về cách chính phủ nước này sẽ phản ứng, một cách tiếp cận mà nhiều người cho rằng không hề khôn ngoan.

Và rồi, vào mùa xuân năm nay, Coinbase giới thiệu một trong những sản phẩm được chờ đợi nhất, một sàn giao dịch NFT. Dù vậy, sàn giao dịch này lại không thu hút được nhiều sự chú ý như kỳ vọng.

Thế nhưng không phải toàn bộ những khó khăn mà Coinbase đang phải trải qua đều là lỗi của chính nó. Đợt giảm giá mạnh của tiền mã hoá đã khiến giao dịch giảm theo tương ứng và ảnh hưởng đến nguồn doanh thu của công ty này. Là sàn giao dịch tiền mã hoá đại chúng lớn nhất, giá cổ phiếu của Coinbase biến động song hành cùng giá Bitcoin và một số đồng tiền mã hoá khác.

Brian Armstrong từ chối đề nghị phỏng vấn của The New York Times, dù vậy 5 nhân sự cấp cao của ông "bào chữa" cho tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Trong một loạt bài phỏng vấn, họ nói rằng Coinbase đang phát triển nhiều sản phẩm mã hoá mới cần thời gian để được đón nhận. Bên cạnh đó, Coinbase cũng đang kiểm soát được các đợt thụt lùi trong quá khứ.

Emilie Choi, giám đốc vận hành Coinbase, cho biết mô hình kinh doanh của Coinbase, trong đó phụ thuộc vào phí giao dịch để vận hành công ty và phát triển các dự án mới, giống cách tiếp cận của nhiều công ty công nghệ khác như Meta (dựa vào doanh thu quảng cáo để phát triển các dự án dài hạn hơn).

“Cách chúng tôi vận hành là cách chúng tôi vẫn luôn vận hành. Một sự tập trung dài hạn vào tương lai”, bà nói.

Brian Armstrong thành lập Coinbase vào năm 2012 cùng một cựu nhân sự Goldman Sachs có tên Fred Ehrsam. Trong một ngành công nghiệp nổi tiếng với vấn nạn lừa đảo, Coinbase tạo danh tiếng như một nơi an toàn và dễ dàng để mua bán tiền mã hoá. Thế nhưng khi kinh doanh phát triển, phong cách lãnh đạo của Brian Armstrong đôi khi gây ra sự bức xúc trong nội bộ.

Tháng 4/2021, Coinbase thực hiện IPO ở định giá 86 tỷ USD. Con số này biến Brian Armstrong thành một trong những tỷ phú giàu có nhất của thế giới mã hoá.

Ngay cả khi công ty đang phát triển, một số nhân sự của Coinbase vẫn lo ngại rằng những gì Coinbase đang làm là chưa đủ để cạnh tranh với FTX và Binance trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh các cơ quan điều hành Mỹ đang áp dụng nhiều đợt thắt chặt mảng tiền mã hoá.

Năm 2019 và 2020, lãnh đạo Coinbase thảo luận về việc mở một trung tâm quốc tế ở Singapore. Coinbase nhận ra sự cần thiết của việc cạnh tranh với Binance bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn token cũng như các sản phẩm phái sinh vốn bị cấm ở Mỹ. Dù vậy, dự án này chưa được hiện thực hoá.

Những nỗ lực mở rộng ra quốc tế gần đây hơn của Coinbase cũng đã được thực hiện. Ở Ấn Độ, Coinbase nói rằng nó sẽ tích hợp với hệ thống thanh toán phổ biến và được chính phủ tài trợ có tên Unified Payments Interface (UPI). Thế nhưng, một tời gian ngắn sau tuyên bố này, Tập đoàn thanh toán quốc gia Ấn Độ, một tổ chức công tư đang vận hành UPI, nói rằng nó “không biết việc bất kỳ sàn giao dịch tiền mã hoá nào đang dùng UPI”.

Một thời gian ngắn sau đó, Coinbase dừng tiếp cận thị trường Ấn Độ. Khách hàng địa phương vẫn có thể dùng Coinbase để đổi từ đồng tiền mã hoá này sang đồng tiền mã hoá khác nhưng không thể mua tài sản số bằng tiền pháp định.

Trong buổi báo cáo hoạt động kinh doanh hồi tháng 5, Brian Armstrong cho biết Coinbase đã phải đối diện với “áp lực không thường gặp” từ các cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ. “Mong muốn của chúng tôi là hợp tác với họ và tập trung vào việc ra mắt lại”, ông nói.

Sự phô trương trong màn ra mắt đầu tiên của Coinbase ở Ấn Độ khiến những người trong ngành mã hoá cảm thấy ngốc nghếch. Trong một cuộc thảo luận riêng tư, các cơ quan điều hành Ấn Độ cho biế họ sẽ thận trọng với việc công khai ủng hộ tiền mã hoá và muốn các công ty tiền mã hoá có các cách tiếp cận có tính toán hơn.

Coinbase đã “đánh giá quá cao việc chính phủ Ấn Độ có thể ủng hộ”, Prasanto Roy, một nhà tư vấn chính sách công nghệ ở Ấn Độ, chia sẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Nana Murugesan, nhân sự phụ trách mở rộng quốc tế của Coinbase, nói rằng Coinbase vào thị trường Ấn Độ mặc dù nhiều điều chưa rõ ràng vì muốn làm rõ các động thái điều hành của chính phủ.

“Hành động mang lại thông tin”, ông Murugesan nói. “Chúng tôi muốn học hỏi từ thông tin này để thúc đẩy quá trình ra quyết định và các bước tiếp theo”.

Trong suốt nhiều năm, Coinbase luôn muốn mở rộng theo nhiều cách khác nhau, trong đó có việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Thế nhưng, cho tới quý I/2022, 90% doanh thu của Coinbase vẫn đến từ phí giao dịch.

Năm ngoái, Coinbase bắt đầu phát triển sàn giao dịch NFT. Brian Armstrong tự tin về dự án này đến mức ông nói rằng NFT “có thể lớn tương đương hoặc lớn hơn” mảng kinh doanh tiền mã hoá của Coinbase.

Thế nhưng, nguồn tin thân cận nói rằng quá trình phát triển sàn giao dịch này đầy “đau thương” và bị chậm lại do các bất đồng liên quan đến thiết kế sản phẩm và đối tượng hướng tới. Người lãnh đạo dự án này là Sanchan Saxena, một cựu nhân sự Airbnb. Sanchan hình dung sàn giao dịch NFT sẽ có điểm tương đồng với Instagram.

Dù vậy, nhiều người hoài nghi về ý tưởng này vì những người giao dịch NFT thường xem nó như một phương tiện đầu cơ hơn là một dạng nghệ thuật số.

Coinbase hy vọng có thể trình làng sàn giao dịch NFT vào quý I/2022 nhưng nó bị hoãn đến tận tháng 4. Vào thời điểm đó, thị trường NFT đã qua giai đoạn cao trào với doanh số giảm khoảng 80% so với mùa thu năm ngoái.

Sau khi ra mắt, sàn giao dịch NFT không nhận được nhiều ý kiến tích cực. Vào tuần cuối tháng 4, sàn giao dịch của Coinbase có lưu lượng giao dịch trung bình hàng ngày đạt 24.000 USD. Đối thủ chính của nó là OpenSea có kết quả cao hơn khoảng 600 lần. Coinbase khẳng định vẫn sẽ theo đuổi dự án và đề cao tính chất xã hội của nó.

18 tháng trước khi thị trường tiền mã hoá xuống dốc, số lượng nhân sự của Coinbase tăng gấp 4 lần (từ 1.250 lên tới 6.100). Thế nhưng, khi quy mô công ty tăng lên, nhiều dự án dư thừa nhân sự và quá trình ra quyết định chậm chạp do có quá nhiều cấp.

Các nhân sự lâu năm quan ngại rằng nhân sự mới tuyển dụng dường như thiếu phương hướng. Họ nói đùa với nhau rằng bạn có thể đoán ra số năm làm việc tại Coinbase của một người dựa trên số lần mà những người mới tuyển dụng đến gặp họ nhờ trợ giúp.

Sự cồng kềnh của Coinbase thấy rõ ở bộ phận dịch vụ khách hàng. Các nhân sự mới tuyển thường xuyên cảm thấy họ không có đủ việc để làm. “Có lúc tôi chỉ có 4 cuộc gọi mỗi ngày”, David Visini, một nhân sự chăm sóc khách hàng vừa bị sa thải, nói.

Bà Choi, giám đốc vận hành Coinbase, thừa nhận Coinbase đã “tuyển dụng quá tay” giữa đại dịch và nói rằng rất khó để hoà hợp các nhân sự mới tuyển trong môi trường làm việc từ xa.

Thị trường tiền mã hoá đi xuống hồi tháng 5 khiến giá cổ phiếu Coinbase mất khoảng 60% giá trị. Trong quý I/2022, doanh thu Coinbase giảm 27% so với cùng kỳ năm trước xuống mốc 1,17 tỷ USD, trong khi đó chi phí hoạt động tăng 2 lần lên 1,72 tỷ USD.

Cũng trong tháng đó, nhân viên Coinbase đã thực hiện một cuộc trưng cầu đề nghị sa thải một số nhân sự cấp cao. Trên Twitter, Brian Armstrong kêu gọi các nhân viên bất mãn nghỉ việc. Thế nhưng, ở cuộc họp nhân sự, ông và các lãnh đạo lại đưa ra tiếng nói ôn hoà hơn khi kêu gọi nhân viên có niềm tin vào tiền mã hoá và công ty đang vươn dậy mạnh mẽ từ khó khăn.

Vài ngày sau đó, Coinbase sa thải thêm 1.100 nhân sự.

Nam Khánh