|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tham vọng mở rộng sang Châu Á của Coinbase: Đúng người, sai thời điểm?

06:43 | 07/06/2022
Chia sẻ
Châu Á là thị trường tiềm năng với các sàn giao dịch tiền mã hoá song hiện tại dường như không phải thời điểm lý tưởng để Coinbase thâm nhập mạnh thị trường này.

Thị trường tiền mã hoá Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng và Coinbase muốn là một phần trong đó.

Coinbase xác định Đông Nam Á là một thị trường mang đến cơ hội mở rộng. Dù vậy, thời điểm và định vị cạnh tranh của nó ở thời điểm hiện tại khiến đây là mục tiêu không hề dễ dàng. Theo Tech in Asia, Coinbase mới đây “đóng băng” nhiều hoạt động tuyển dụng và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới tham vọng mở rộng của nó.

 (Ảnh: Coinbase).

 

Coinbase vẫn phụ thuộc lớn vào Mỹ

Phần lớn doanh thu Coinbase đến từ phí giao dịch. Phí giao dịch chiếm 87% trong tổng doanh thu 7,8 tỷ USD mà Coinbase ghi nhận trong năm 2021.

 Cơ cấu doanh thu của Coinbase từ năm 2019 đến quý I/2022 (đơn vị: triệu USD). (Nguồn: Coinbase, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Tính đến tháng 4/2022, người dùng từ Mỹ chiếm quá bán tổng số lượng người dùng của Coinbase (54%), theo sau đó là các thị trường Anh, Đức, Tây Ban Nha và Pháp.

 Cơ cấu người dùng Coinbase trong tháng 5/2022 (đơn vị: %). (Nguồn: SimilarWeb, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Thị trường Mỹ đóng góp tỷ trọng tới 82% doanh thu của Coinbase trong quý I/2022. Điều này thể hiện tầm quan trọng một cách bất cân xứng của thị trường Mỹ đối với Coinbase.

Cạnh tranh tạị Mỹ thúc đẩy mục tiêu mở rộng ra Châu Á Thái Bình Dương của Coinbase

Gần đây, Coinbase chịu nhiều áp lực cạnh tranh ở Mỹ. Binance.US áp dụng mức phí giao dịch giao ngay chỉ 0,1%, con số này của FTX là 0,07%, thấp hơn rất nhiều so với mức phí 1% mà Coinbase đang áp dụng.

“Tôi cho rằng một trong những lý do Coinbase nỗ lực mở rộng là mảng kinh doanh ở Mỹ đang chịu nhiều áp lực”, Dan Dolev, nhà phân tích fintech cao cấp của Mizuho Americas, nhận định.

Theo một báo cáo của Chainalysis, khu vực Châu Á Thái Bình Dương hiện là thị trường tiền mã hoá lớn thứ 4 thế giới với hoạt động giao dịch tăng 706% từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021.

Báo cáo cũng chỉ rõ Việt Nam, Thái Lan và Phlippines là các thị trường có tiềm năng rõ rệt. Đây là các quốc gia lần lượt đứng thừ 1, 12 và 15 trong bảng xếp hạng đón nhận tiền mã hoá toàn cầu (Global Crypto Adoption Index), theo Tech in Asia.

Thực tế, Coinbase không phải “người mới” với khu vực này. Nó từng thành lập văn phòng khi ra mắt dịch vụ tại Singapore vào năm 2015. Dù vậy, Coinbase chỉ đẩy mạnh các hoạt động tại Châu Á Thái Bình Dương thời gian gần đây.

“Một bước đầu quan trọng của chúng tôi là tuyển dụng các lãnh đạo khu vực và quốc gia có kinh nghiệm. Chúng tôi đang khởi động chiến lược mở rộng ra thị trường mạnh mẽ với các kế hoạch tuyển dụng và đầu tư cho phép chúng tôi phục vụ khách hàng tới tính địa phương hoá hơn”, Nana Murugesan, phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh và toàn cầu Coinbase, chia sẻ vào tháng 2 năm nay.

Mặc dù kế hoạch tăng gấp 3 số lượng nhân sự của Coinbase đang bị tạm hoãn vì các yếu tố kém tích cực trên thị trường, website của Coinbase hiện vẫn có nhiều tin đăng tuyển nhân sự cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong đó, đáng chú ý là các vị trí như giám đốc quốc gia cho Indonesia, Philippines, giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, cố vấn tại Đông Nam Á và giám đốc vận hành kinh doanh và chiến lược Đông Nam Á.

Hấp dẫn với các nhà đầu tư tổ chức nhưng tiền lại nằm trong túi của nhà đầu tư cá nhân

Với Coinbase, sức mạnh của nó nằm ở mức độ tuân thủ với các cơ quan điều hành. Bên cạnh đó, Coinbase cũng có thể mạnh ở khả năng bảo mật của nền tảng. Những đặc điểm này khiến nó đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư tổ chức – phân khúc nhà đầu tư được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh hơn ở giai đoạn thị trường chín muồi với mức độ đón nhận tiền mã hoá như một loại tài sản chất lượng cao hơn.

Dù vậy, phần lớn doanh thu của Coinbase lại đến từ thị trường đầu tư bán lẻ, bất chấp khối lượng giao dịch lớn từ các nhà đầu tư tổ chức.

Trong năm 2021, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trên Coinbase gấp hơn 2 lần nhóm nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù chiếm tỷ trọng 68% khối lượng giao dịch, nhà đầu tư tổ chức lại chỉ đóng góp 5% doanh thu cho sàn giao dịch này.

Thực tế trên làm dấy lên câu hỏi Coinbase có thể sinh ra bao nhiêu doanh thu từ các nhà đầu tư tổ chức tại Châu Á.

Kế hoạch mở rộng liệu có được lòng các nhà đầu tư?

Thực tế nói trên không đồng nghĩa với việc tính ổn định và đáng tin cậy của Coinbase không hấp dẫn với các nhà đầu tư cá nhân. Dù vậy, các nhà đầu tư cá nhân hiện đã có khá nhiều lựa chọn khi muốn giao dịch tiền mã hoá, từ các sàn giao dịch quốc tế như Binance cho tới các sàn địa phương như Crypto.com, Bitkub, và Tokocrypto.

“Lợi thế đi trước của Coinbase không tồn tại ở Châu Á. Đây sẽ là cuộc chiến khốc liệt”, ông Dolev của Mizuho nói.

Nếu không có mức phí thấp hơn và các hình thực khuyến khích khác, người dùng địa phương không có nhiều động lực chuyển sang dùng một nền tảng mà họ cảm thấy không quen thuộc.

Bên cạnh đó, khi giá cổ phiếu của Coinbase đã giảm 70% trong năm nay, liệu các cổ đông có chấp nhận đầu tư lớn vào hoạt động mở rộng nữa hay không?

Brian Armstrong, CEO Coinbase, từng chia sẻ Coinbase là công ty “tham lam khi thị trường sợ hãi”. Coinbase sẽ tiếp tục tìm kiếm tăng trưởng ngay cả khi thị trường đi xuống. Dù vậy, cạnh tranh mạnh, thị trường tiêu cực và một số yếu tốt khác có thể khiến chiến lược của Coinbase đi kèm không ít rủi ro.

Tìm lợi thế thông qua đầu tư

Bên cạnh mảng vận hành lõi, Coinbase cũng đầu tư vào nhiều startup blockchain, tiền mã hoá và GameFi trong khu vực, ví dụ như 

Những khoản đầu tư này không chỉ giúp Coinbase xây dựng cộng đồng, tiếp cận người dùng tiền mã hoá mà còn giúp thu thập các dữ liệu địa phương, từ đó xác định các nhu cầu của cộng đồng.

Đây là cơ hội để Coinbase xác định rõ hơn các bước tiến mở rộng của mình trong khu vực.

Nam Khánh