Một năm sau sự cố máy bay tung cửa giữa trời, gã khổng lồ Boeing vẫn chới với
Boeing sẽ phải dành năm 2025 để chấn chỉnh lại hoạt động và gây dựng lại niềm tin của khách hàng.
Vào ngày 5/1/2024, Boeing lần nữa bị đẩy vào tâm điểm của sự chú ý sau khi tấm thân che cửa thoát hiểm của một chiếc Boeing 737 Max 9 do Alaska Airlines vận hành bị bung ra giữa trời. Sự cố khiến các hành khách khiếp sợ dù không ai bị thương nghiêm trọng và buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp.
Báo cáo sơ bộ của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ phát hiện rằng một số bu-lông quan trọng đã không được lắp đặt trên chiếc máy bay gặp sự cố trước khi nó rời khỏi nhà máy của Boeing tại Washington. Phát hiện này càng khiến hình ảnh của gã khổng lồ nước Mỹ bị hoen ố.
Giá cổ phiếu Boeing lao dốc hơn 30% trong 12 tháng qua, trong khi đó chỉ số S&P 500 tăng gần 27%.
Các nhà lãnh đạo Boeing đã dùng 12 tháng qua để thực hiện những thay đổi lớn, bao gồm thay thế đội ngũ quản lý cấp cao, đưa về một CEO mới và tăng cường huấn luyện cho hàng trăm nhân viên nhà máy.
Hôm 3/1, Boeing đã điểm lại những tiến bộ của công ty này trong một năm qua, bao gồm việc bắt đầu kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng tại các nhà máy.
Boeing cho biết họ đã giảm “đáng kể” các khiếm khuyết trong thân máy bay 737 do Spirit AeroSystems sản xuất và giảm bớt các công đoạn được thực hiện ngoài trình tự để hạn chế sai sót. Boeing còn tuyên bố họ đã giải quyết phần lớn phản hồi từ nhân viên trong các phiên trao đổi với cấp quản lý trong năm qua.
Kể từ sự cố hồi tháng 1/2024, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã tăng cường giám sát Boeing, đặt ra giới hạn đối với việc sản xuất mẫu 737 Max - sản phẩm bán chạy nhất của công ty.
Giám đốc Mike Whitaker của FAA cảnh báo cơ quan này sẽ tiếp tục chú ý sát sao tới Boeing kể cả sau khi ông từ chức vào ngày 20/1. Ông nhấn mạnh việc vực dậy ông lớn ngành sản xuất máy bay Mỹ không phải công việc có thể kết thúc chóng vánh trong vòng một năm mà đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng lâu dài.
Lỗ chồng chất, giao hàng chậm trễ
Boeing chưa có năm nào báo lãi kể từ năm 2018. Hai thảm kịch rơi máy bay năm 2018 và 2019 đã giết chết 346 người và gây ra khủng hoảng lớn nhất đối với Boeing trong hàng chục năm qua. Trong cả hai vụ việc, hệ thống quản lý chuyến bay của Boeing đều bị coi là có vấn đề và dòng 737 Max bị cấm bay trên thế giới trong gần hai năm.
Trong những năm tiếp theo, người ta tiếp tục phát hiện thêm các khiếm khuyết khác về chất lượng, dẫn tới việc Boeing không thể giao đúng hạn dòng 737 Max, 787 Dreamliner và nhiều chiếc máy bay khác.
Tờ CNBC cho biết kể từ năm 2019, Boeing đã lỗ hơn 30 tỷ USD. Vị CEO mới có nhiệm vụ là đảm bảo Boeing có thể tăng cường sản lượng mà không để xảy ra sai sót.
Tháng 8 năm ngoái, Boeing đưa ông Kelly Ortberg, cựu CEO của Rockwell Collins với ba thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, về làm CEO thay ông Dave Calhoun. Chỉ vài tuần sau đó, các thợ máy của Boeing đình công gần hai tháng và chỉ quay lại làm việc sau khi đạt được thỏa thuận lao động mới với mức tăng lương 38%.
Vụ đình công khiến việc sản xuất hầu hết máy bay của Boeing bị đình trệ, nhưng gần đây các nhà máy đã cho ra sản lượng trở lại. Vụ việc cũng tạo tiền đề để Boeing dành thêm một năm để ổn định hoạt động sản xuất nhằm giao hàng cho các hãng hàng không trước khi tăng cường sản lượng. Nhiều khả năng nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu sẽ tiếp tục vượt mặt Boeing về doanh số.
Để khắc phục khủng hoảng, Boeing huy động hàng tỷ USD vào mùa thu năm ngoái. Ông Ortberg cũng quyết định cắt giảm 10% trong số 170.000 lao động của công ty. Thông báo cho thôi việc bắt đầu được chuyển đi từ cuối năm 2024. Hồi tháng 10, ông cho biết Boeing sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và xem xét lại danh mục sản phẩm của mình.
Ông nhận xét: “Tốt nhất chúng tôi nên làm ít hơn nhưng tốt hơn thay vì làm nhiều nhưng không ổn”. Ông dành những tuần đầu tiên tại Boeing để tới thăm các nhà máy và chuyển nhà tới khu vực Seattle, nơi tập trung hoạt động sản xuất của Boeing. Hành động của ông nhận được lời khen ngợi từ lãnh đạo các công ty hàng không.
Trong cuộc phỏng vấn tháng trước, CEO Bob Jordan của Southwest, cảnh báo cuộc phục hồi của Boeing chỉ mới bắt đầu nhưng ông Ortberg có vẻ hiểu được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề tại nhà sản xuất máy bay này. Southwest là một trong 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ và chuyên dùng Boeing 737.
Ông Jordan nhận xét: “Ông Ortberg không tìm kiếm giải pháp tạm thời nhanh chóng, ông ấy nỗ lực tạo ra thay đổi toàn diện tới Boeing”.