|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Một mình một chợ', Grab tăng giá 30-40% thì tiền bỏ túi mới nhiều hơn

08:26 | 25/05/2018
Chia sẻ
Với thế độc quyền sau khi mua lại Uber, Grab đang tăng giá trên “mọi mặt trận”. Nhiều người bức xúc cho rằng đó là hành động không tôn trọng khách hàng.

2 tháng sau thương vụ mua lại Uber, Grab đang dần mất đi hình tượng một hãng taxi công nghệ giá rẻ, thân thiện với người tiêu dùng Việt.

Doanh nghiệp này dường như đang chứng tỏ thế “một mình một chợ” bằng việc quyết định mức giá, bất chấp chuyện khách hàng suy nghĩ như thế nào. Và tiền vẫn đổ về túi của Grab ngày càng nhiều thêm.

Ai đi Grab cũng bức xúc giá

Những khách hàng thường xuyên đi Grab khẳng định hãng đã âm thầm tăng giá cước ít nhất 20-30%, thậm chí có quãng đường tăng 30-40% so với trước đây.

Vốn là khách hàng thường xuyên dùng Uber và Grab để đi làm, chị Nguyễn Linh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói sẽ chuyển sang đi taxi. Trên cùng một quãng đường, giá của Grab ngày càng tăng cao, hiện nay đã ngang với taxi, thậm chí còn đắt hơn.

mot minh mot cho grab tang gia 30 40 thi tien bo tui moi nhieu hon
Grab đang tăng giá phi mã khiến nhiều khách hàng bức xúc. Ảnh: Việt Hùng.

Trước kia chị sử dụng Uber di chuyển từ nhà ở khu đô thị Mỹ Đình II đến cơ quan trên phố chùa Láng thường mất khoản tiền chỉ 37.000-40.000 đồng. Khi đó, Grab cũng chỉ khoảng 40.000-45.000 đồng. Tuy nhiên, cũng quãng đường trên, Grab hiện đã tăng cước lên 60.000-65.000 đồng tùy thời điểm. Vào giờ cao điểm, giá có thể lên đến 80.000-85.000 đồng.

Cùng cảnh bị tăng giá 30-40% như chị Linh, chị Hoàng Lan đã chuyển hẳn sang đi taxi thay vì Grab. Chị cho biết không muốn phải mệt mỏi suy nghĩ về giá tiền đi Grab khi lúc tăng lúc giảm, mà hầu hết là tăng rất cao. Chị chọn taxi với giá mở cửa 5.000 đồng, các km tiếp theo tính giá 11.000 đồng. Như vậy, giá cho quãng đường từ nhà đến cơ quan dài gần 4 km chỉ khoảng 50.000 đồng.

“Nếu tôi chọn Grab thì không có cơ sở nào để so sánh giá đó là cao hay thấp, vì Uber đã không còn. Một vài lần không bắt được Grab tôi chọn taxi, và giật mình rằng giá taxi rẻ hơn nhiều những cuốc Grab mà tôi từng đi. Từ đó tôi quay về đi taxi”, chị Lan nói.

Những ngày đầu mùa mưa, giá Grab ở cả Hà Nội và TP.HCM đều tăng phi mã mà nhiều người nói rằng, Grab tính giá như “trên trời rơi xuống”.

Anh Nguyễn Minh ở Hà Nội thường xuyên có người nhà gửi đồ từ quê lên, do đó anh cũng thường đi Grab từ nhà tại khu đô thị Linh Đàm ra bến xe Giáp Bát lấy đồ. Anh nhớ rất rõ giá cước cho cuốc đi khoảng 4 km này từ khi mới chọn Uber, Grab cho đến bây giờ.

“Trước kia đi Uber chỉ khoảng 35.000 đồng thôi, Grab cũng chỉ 40.000 đồng. Thế rồi sau này tăng dần lên 50.000 đồng, rồi 65.000 đồng. Có những ngày mưa giá lên 90.000 đồng, thậm chí có ngày lên 131.000 đồng. Như vậy lúc mưa tăng tới 4 lần so với trước kia”, anh Minh chia sẻ.

Không tôn trọng khách vì "một mình một chợ"?

Khi mới vào Việt Nam vài năm trước, Grab được nhiều người cho rằng đó là hãng xe công nghệ thân thiện, giá rẻ, lịch sự. Nhiều mỹ từ được dùng để ca ngợi loại hình vận tải mới, so sánh với taxi truyền thống vốn giá cao và “chảnh” với khách.

Tuy nhiên sau một thời gian, hình tượng taxi công nghệ thân thiện đã mất đi trong lòng người tiêu dùng. Cắt hỗ trợ tài xế, cắt khuyến mại khách hàng, nhiều vụ trộm cướp xảy ra, chuyện xâm hại của tài xế với khách hàng… cho đến chuyện tăng giá vô tội vạ, tăng giá không minh bạch của Grab.

Bức xúc càng dày lên từ sau khi Grab thâu tóm Uber và đang “một mình một chợ”.

Đến hiện tại, khi Grab đang tăng giá trên diện rộng với mọi cuốc xe, mọi sản phẩm hãng cung cấp mà không thông báo, thì hình tượng lại càng mất đi trong mắt khách hàng. Có người nói thẳng họ xóa app vì không còn ấn tượng tốt với hãng xe công nghệ được đánh giá khá tốt thuở mới vào Việt Nam.

Anh Nam Khánh (quận Đống Đa) cho biết rất nhiều bạn anh đã chụp màn hình giá cước của Grab để đăng lên Facebook phản ánh việc tăng giá vô tội vạ. Chính anh cũng không ít lần gặp phải tình trạng giá cao như vậy.

Anh cho rằng trong lúc rất nhiều người cùng than phiền về việc tăng giá, khi mà khách hàng mất niềm tin, Grab vẫn cứ tăng một cách bất chấp mà không hề để ý đến suy nghĩ của người tiêu dùng, không tôn trọng khách hàng.

Chị Nguyễn Linh thì nói “Grab chơi không đẹp với khách hàng”. Khi mà khách hàng đã lựa chọn và tin tưởng Grab, nhiều người coi Grab là phương tiện di chuyển chính nhưng khi đã đạt được thị phần lớn, hãng này quay ngoắt 360 độ tăng giá để tận thu.

“Tôi nghĩ sớm muộn gì khách hàng cũng sẽ tẩy chay Grab. Tôi cũng sẽ không đi Grab nữa nếu tình hình vẫn như thế này”, chị Linh nói.

Thế thượng phong của kẻ độc quyền

Ông Trần Bằng Việt, chuyên gia chiến lược doanh nghiệp, CEO Dong A Solutions, nguyên Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam, từng dự báo Grab sẽ tăng giá và “neo” giá ở mức thấp hơn taxi truyền thống 5% sau khi mua Uber.

“Grab sẽ có lợi nhuận đáng kể, những tố cáo về việc Grab phá giá tự dưng thành vô hiệu. Vẫn còn nhiều khách hàng lựa chọn Grab”, ông Việt nói.

Và ông Việt đã đúng ở dự báo Grab tăng giá, còn việc hãng này “neo” giá thì chưa chính xác. Bởi Grab không những tăng mà còn tăng giá vô tội vạ và đang dần chứng tỏ minh ở thế thượng phong trên thị trường.

mot minh mot cho grab tang gia 30 40 thi tien bo tui moi nhieu hon
Grab dần mất đi hình ảnh hãng xe công nghệ thân thiện trong lòng khách hàng. Ảnh: Việt Hùng.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc hợp tác xã vận tải Toàn Cầu, thì cho rằng Grab đang có thị phần lớn nhất, đã phần nào tạo được thói quen trong người tiêu dùng, nên việc tăng giá là điều mà khách hàng khó tránh khỏi. Ông Tuấn nói chỉ cần mức tăng giá 5-10% với thị phần lớn hiện nay, Grab đã có khoản doanh thu rất lớn.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nói Grab sẽ không chọn mức tăng 5-10% mà sẽ cao hơn, ở 30-40%. Nguyên nhân là do Grab đang đang giữ tỷ lệ ăn chia với tài xế là 25% (cộng thêm 3,6% tiền thuế). Nếu tăng giá 5-10%, phần “kiếm thêm” của Grab với phần 25% sẽ nhỏ hơn nhiều khi tăng giá 30-40%.

Ví dụ một cuốc xe 50.000 đồng, nếu tăng giá thêm 10%, thì số tiền vào thêm túi của Grab chỉ là 25% của 5.000 đồng (khoảng 1.250 đồng). Nhưng khi tăng giá 30%, số tiền kiếm thêm được bằng 25% x 15.000 đồng = 3.750 đồng.

“Tôi nghĩ họ đang nắm thế thượng phong, từ đó dốc sức tăng thêm doanh thu. Tuy nhiên, họ quên rằng khách hàng rất nhạy cảm với độc quyền và tăng giá. Họ có thể mất thị phần, mất khách hàng nếu vẫn như vậy. Hiện họ chỉ mạnh hơn đối thủ ở phần công nghệ thôi, nếu có đối thủ nào xứng tầm, họ hoàn toàn có thể mất hết khách hàng”, ông Tuấn nói.

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.