'Gà đẻ trứng vàng' đang nhen nhóm bên trong Grab: Tiết kiệm 20 triệu USD/năm, tiến vào thị trường tỷ đô, sẽ phục vụ khách hàng doanh nghiệp
Việc ra mắt dịch vụ B2B mới mang tên GrabMaps cho phép các khách hàng có thể tận dụng các thông tin và công nghệ địa điểm do Grab phát triển.
Grab cho biết đây là một thị trường có quy mô 1 tỷ USD tại Đông Nam Á và đang lên kế hoạch giới thiệu dịch vụ ra bên ngoài khu vực này.
Mặc dù GrabMaps không phải một dịch vụ cho người dùng đại trà, Grab có lợi thế riêng biệt so với các đối thủ hiện hữu đang theo đuổi khách hàng doanh nghiệp ở mảng bản đồ. Dù vậy, nhiều khả năng GrabMaps sẽ chưa đóng góp tỷ trọng doanh thu quá lớn cho Grab trong tương lai gần, Tech in Asia nhận định.
Tận dụng độc nhất nhờ hiểu biết địa phương
Grab triển khai dự án GrabMaps để giải quyết các khoảng trống ở mảng công nghệ bản đồ hiện tại mà hãng nhận ra khi vận hành dịch vụ giao hàng và gọi xe của mình.
Nhiều thành phố tại Đông Nam Á có các ngõ ngách mà người tham gia giao thông bằng xe 2 bánh/3 bánh thường dùng để tiết kiệm thời di chuyển và tránh tắc đường. Dù vậy, các lối tắt này thường không có trên các ứng dụng bản đồ truyền thống bởi các dịch vụ này vốn thường tập trung vào người dùng đi xe ô tô.
Theo Grab, các công ty bản đồ toàn cầu không có mức độ hiểu biết về khu vực Đông Nam Á sâu sắc như Grab và nhiều thành phố nhỏ tại Đông Nam Á hiện tại chưa được thể hiện trên các dịch vụ bản đồ một cách đầy đủ.
Ngược lại, các tài xế và đối tác giao hàng Grab thường xuyên sử dụng đường tắt. Điều này trở thành một lợi thế đặc biệt do Grab có thể liên tục cập nhật bản đồ với dữ liệu mới và phản hồi theo thời gian thực.
Grab thực hiện điều này bằng cách trang bị cho các tài xế thiết bị dựng bản đồ do chính Grab phát triển có tên KartaCam. Dịch vụ này cũng trở thành một nguồn thu mới cho các đối tác tài xế.
Tiết kiệm chi phí vận hành, cải thiện tính hiệu quả cho đối tác
Cho tới thời điểm hiện tại, lợi ích lớn nhất của GrabMaps chỉ mang tính nội bộ. Grab kỳ vọng có thể “hoàn toàn tự cung tự cấp” thông qua dịch vụ này cho tới quý III năm nay.
Điều này đồng nghĩa với việc Grab không còn cần phải thanh toán cho các nhà cung cấp bên thứ ba như Google cho các dịch vụ bản đồ. Grab không chia sẻ chi tiết số tiền hãng này có thể tiết kiệm được, dù vậy, theo chia sẻ của đồng sáng lập Tan Hooi Ling, chi phí của Grab “cao hơn” mức 58 triệu USD mà Uber thanh toán cho Google trong khoảng thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2018.
Theo Tech in Asia, Grab có thể tiết kiệm được mỗi năm hơn 20 triệu USD. Con số này không nhỏ nhưng chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi phí vận hành 462 triệu USD mà Grab phát sinh trong năm 2021.
Dịch vụ bản đồ cũng có thể giúp cải thiện tính hiệu quả của các đối tác tài xế Grab. Vì dữ liệu được đến từ chính các tài xế, thông tin thu thập được đặc biệt có ý nghĩa với họ. Ví dụ, GrabMaps có thể gợi ý nơi đỗ xe tiện nhất để mua hàng tại một cửa hàng nào đó trong siêu thị. Điều này có thể tăng số lượng công việc mà một tài xế có thể đảm nhận và giảm mức độ chi khuyến khích của Grab dành cho tài xế.
Một nguồn doanh thu mới
Điểm thú vị nhất là cách Grab có thể “mở cửa” công nghệ của mình với các khách hàng doanh nghiệp khác.
Theo Grab, các công ty cần bản đồ mang tính địa phương cao, đặc biệt là các công ty giao hàng chặng cuối, có thể là các khách hàng tiềm năng. Nhóm khách hàng này có thể bao gồm các công ty công nghệ, viễn thông, logistics, TMĐT và thậm chí cả chính phủ.
Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm, bất động sản hoặc hạ tầng cũng có thể được hưởng lợi từ GrabMaps thông qua dữ liệu thời gian thực và mang tính địa phương cao về tài sản.
Mặc dù Grab không đặt ra mục tiêu doanh thu cụ thể cho GrabMaps, Grab cho biết thị trường bản đồ ở Đông Nam Á có thể chạm mốc 1 tỷ USD vào năm 2025 và Grab muốn trở thành một “thế lực” trong lĩnh vực này.
Grab cũng có thể sẽ cung cấp GrabMaps bên ngoài thị trường Đông Nam Á. KartaCam hiện đang được thử nghiệm tại Pháp, Nam Phi, UAE và Mỹ.
Dù vậy, các lợi ích về tài chính mà GrabMaps mang về cho Grab hiện tại sẽ không lớn ở thời điểm hiện tại. Dung lượng thị trường mảng bản đồ quá nhỏ so với các mảng kinh doanh khác của Grab.
Ví dụ, Grab có thể có được 30% thị trường vào năm 2025.
Như vậy, GrabMaps sẽ mang về cho Grab thêm 300 triệu USD doanh thu. Theo Tech in Asia, con số này tương đương 10% doanh thu ước tính của Grab vào năm 2024. Dù vậy, GrabMaps có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp đối với “siêu ứng dụng” này.
Grab sẽ tham gia một thị trường đã có quá nhiều công ty có tiếng. Theo Philipp Kandal, giám đốc Geo tại Grab, có khoảng 4 – 5 công ty đang thống lĩnh thị trường.
Các công ty này có thể bao gồm các công ty chuyên về dịch vụ bản đồ hoặc các mảng con của các ông lớn như Google hay Apple.
Grab sẽ có thể có thị phần nếu khách hàng nhận thấy sản phẩm của nó đủ sự khác biệt. Kandal nói rằng mặc dù mức chi phí mà Grab đưa ra sẽ “rất cạnh tranh”, Grab sẽ mang đến cho khách hàng “một dịch vụ giá trị cao”.
Dù vậy, để làm được điều này, Grab sẽ tiếp tục phải đầu tư lớn do GrabMaps vẫn cần phát triển công nghệ, thành lập đội ngũ nhân sự và chi phí thâu tóm khách hàng.
Điểm thú vị là liệu các đối thủ của Grab như Foodpanda, GoTo và Sea, liệu có muốn sử dụng GrabMaps không. Sau cùng, đây chính là các công ty có thể hưởng lợi lớn nhất từ dịch vụ của Grab.
Grab không phủ nhận khả năng này. “Chúng tôi cởi mở thảo luận với bất kỳ cong ty nào thấy dịch vụ của chúng tôi hữu dụng”, Kandal chia sẻ.