|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một công ty y tế lỗ đậm sau kiểm toán với lý do 'phần mềm bất cập'

10:52 | 11/09/2022
Chia sẻ
Ngoài việc chuyển từ có lãi sang lỗ sau soát xét, thì phía Kiểm toán AAC đã đưa ra loạt vấn đề ngoại trừ các số liệu doanh thu, chi phí, tồn kho và công nợ,... của Danameco.

 

 Sản phẩm khẩu trang của Danameco. (Ảnh minh họa: Danameco).

Báo cáo tài chính của Tổng CTCP Y tế Danameco (Mã: DNM) do Kiểm toán và Kế toán ACC thực hiện cho thấy công ty này lỗ sau thuế gần 26 tỷ đồng, trong khi theo báo cáo tự lập là lãi 13 tỷ. Cùng kỳ năm ngoái, công ty lãi hơn 4 tỷ.

Sự chênh lệch này chủ yếu diễn ra ở khoản mục giá vốn hàng bán, tăng 34 tỷ so với báo cáo chưa kiểm toán lên 186 tỷ đồng.

Theo lý giải của Danameco, sở dĩ có sự thay đổi từ lãi sang lỗ là do số liệu trước kiểm toán chưa được chuẩn hóa và phần mềm còn đang bất cập.

Bên cạnh đó, Kiểm toán ACC còn đưa ra loạt 6 ý kiến ngoại trừ về các số liệu doanh thu, chi phí, tồn kho và công nợ,... của Danameco.

Cụ thể, kiểm toán từ chối đưa ra kết luận về giá vốn hàng bán 6 tỷ đồng cùng khoản doanh thu trị giá hơn 2 tỷ đồng của Dameco trong 6 tháng đầu năm.

Về hàng tồn kho và công nợ, kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của hàng tồn kho là linh kiện máy thở và công nợ với nhà cung cấp số tiền gần 9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên nhận thấy không có sự hợp lý về thời điểm ghi nhận doanh thu và giá vốn của lô hàng hóa với số tiền hơn 28 tỷ đồng. Ngoài ra, một khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 1,7 tỷ đồng theo kiểm toán cũng là chưa đúng quy định.

Đơn vị AAC cũng từ chối xác định tính hiện hữu của tài sản là máy móc, thiết bị (nguyên giá 37 tỷ đồng) đang được công ty dùng cho hoạt động liên kết với Bệnh viện TW Thái Nguyên. Kiểm toán viên không được cung cấp các biên bản bàn giao tài sản liên kết, các tài liệu kế toán có liên quan đến phân chia kết quả hằng năm, các hồ sơ khác có liên quan.

Theo Kiểm toán ACC, căn cứ vào báo cáo tài chính của các năm 2020 và năm 2021, toàn bộ chi phí khấu hao của các tài sản trên là 13 tỷ đồng, đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh các năm tương ứng của công ty mà không phân bổ cho bên liên kết.

Riêng chi phí khấu hao 6 tháng đầu năm 2022 của các tài sản này thì công ty chưa thực hiện trích (ước tính 2 tỷ đồng). Công ty cũng chưa ghi nhận kết quả (lãi hoặc lỗ) từ hoạt động liên kết trên từ năm 2020 đến nay.

Một vấn đề kiểm toán còn nêu ra là Danameco đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu tại ngày 28/6 với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng, trong khi đó nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày cuối quý II là 6,1 tỷ đồng.

Thực tế, việc số liệu thay đổi kết quả kinh doanh sau kiểm toán không phải chuyện hiếm thấy. Chẳng hạn như nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng bị bốc hơi lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng như trường hợp của Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC), hay chuyển từ có lãi sang lỗ sau kiểm toán như Louis Capital (Mã: TGG), Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 (Mã: TH1) và thậm chí lỗ đậm hơn như Cáp nhựa Vĩnh Khánh (Mã: VKC),... Ngược lại, trường hợp của Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) và EVNGENCO3 (Mã: PGV) lại là số ít doanh nghiệp có lợi nhuận tăng sau kiểm toán.

Mỹ Linh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.