Một công ty có vốn từ 'thiên đường thuế' British Virgin được cấp phép dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho CTCP Công nghệ FINVIET (Công ty FINVIET).
Được biết công ty thành lập ngày 21/6/2016, do cá nhân tên Nguyễn Thanh Hiền (sinh năm 1971) làm đại diện pháp luật và Giám đốc; ngành nghề kinh doanh chính là Dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông - Dịch vụ cung cấp thông tin trên mạng internet (không kinh doanh đại lý truy nhập internet). Trụ sở đăng kí kinh doanh tại tầng 9, Cao ốc Hoàng Việt, 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM.
Theo giấy phép đăng kí kinh doanh vào tháng 10/2016, Công ty có tổng số lao động là 3 người. Cơ cấu cổ đông sáng lập cho thấy CTCP Minh Bạch (mã số thuế 0101380911) nắm 25% cổ phần, tương đương 2,5 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thanh Hiền nắm 12,5%; bà Nguyễn Thị Minh Hiền nắm 18,75% và bà Võ Thị Phương Thảo nắm 25%.
Đến tháng 11/2016, CTCP Minh Bạch thoái toàn bộ số vốn trên.
Theo tìm hiểu của người viết, CTCP Minh Bạch thành lập ngày 20/6/2003, do ông Lê Hữu Sơn (sinh năm 1977) làm đại diện pháp luật; ngành nghề kinh doanh chính là Cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Trụ sở đăng kí kinh doanh tại phòng 804 tầng 8, tòa nhà VET, số 98, đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Giấy phép kinh doanh cập nhật vào tháng 6/2018 cho thấy công ty có vốn điều lệ 176,46 tỉ đồng. Cổ đông gồm ông Lê Hữu Sơn nắm 47,847%; ngoài ra có ba cổ đông cá nhân khác gồm Vương Quang Khải, Lê Văn Thế, Đặng Trọng Hợp, Nguyễn Mạnh Hà, chi tiết tỉ lệ sở hữu trong Giấy phép đăng kí kinh doanh không nêu rõ.
Đáng chú ý, Công ty có hai cổ đông ngoại đến từ "thiên đường thuế" British Virgin Island là IDGVV8 Limited với sở hữu 27,5% (gồm 26,48% là số cổ phần phổ thông và 1,02% là cổ phần ưu đãi hoàn lại); và Panorama Investment and Consultan Cy Limited sở hữu 2,5% cổ phần phổ thông.
Theo Giấy phép của NHNN đối với FINVIET, các dịch vụ trung gian thanh toán của Công ty được cấp phép gồm Dịch vụ cổng thanh toán điện tử; Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ Ví điện tử.
FINVIET chỉ được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán qui định tại giấy phép này. Khi triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép, công ty phải thực hiện theo đúng phạm vi, đối tượng, bản chất dịch vụ được cấp phép theo qui định của pháp luật.
Công ty phải kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử (được NHNN cấp phép) khi cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ trung gian thanh toán cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng.
Khi có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của Bộ tiêu chuẩn kĩ thuật do tổ chức đã được NHNN Việt Nam cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử ban hành, FINVIET được thực hiện kết nối với tổ chức này theo qui định của pháp luật.
Cùng với đó, FINVIET có trách nhiệm bổ sung bản sao văn bản (tài liệu) hợp tác kết nối giữa FINVIET với tổ chức này gửi NHNN để quản lý, theo dõi, giám sát.
Như vậy, đến nay NHNN đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho tổng cộng 31 tổ chức không phải là ngân hàng. Trong đó, riêng năm 2019, NHNN đã cấp 5 giấy phép.
Theo số liệu của NHNN, tính đến 31/12/2018, cả nước có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử đạt 60 triệu với giá trị bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch. NHNN dự báo số người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 10 triệu người vào năm 2020.
Cuộc cạnh tranh trên thị trường ví điện tử Việt Nam đang ngày càng nóng khi xuất hiện thông tin CTCP VINID (một công ty con trực thuộc Vingroup) trở thành đại diện cho các cổ đông mới tại CTCP People Care - nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử MonPay.
Mặc dù có hàng chục ví điện tử đang hoạt động trên thị trương nhưng theo số liệu của NHNN, 90% thị phần cả giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. Tất cả đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%.
Điều này đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lí và Chính phủ, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài, đi cùng với đó là các dữ liệu quan trọng về dân cư, an ninh quốc gia…