Một công ty bảo hiểm lỗ gần 64 tỷ đồng trong quý III sau tác động từ bão Yagi
Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare - Mã: VNR) vừa công bố báo cáo tài chính quý III hợp nhất với khoản lỗ trước thuế gần 64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 63 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của công ty ở mức 299 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ và thực hiện 57% kế hoạch cả năm (505 tỷ đồng).
Vinare là doanh nghiệp tái bảo hiểm niêm yết lớn có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Công ty có các cổ đông như SCIC, SwissRe, Tập đoàn Bảo Việt, Quản lý Quỹ Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, UIC, BIC và nhiều cổ đông khác. Vốn điều lệ của công ty vào cuối quý III/2024 ở mức 1.658 tỷ đồng.
Theo giải trình từ Vinare, việc công ty chịu lỗ trong quý III đến từ lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh giảm 128 tỷ đồng so với cùng kỳ, chủ yếu do các tổn thất liên quan đến cơn bão số ba (Yagi) làm tăng chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của Vinare. Các tổ thất chủ yếu nằm ở nhóm nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và kỹ thuật.
Cụ thể, trong quý III, công ty ghi nhận phí nhận tái bảo hiểm là 766 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Vinare cũng nhượng tái bảo hiểm 359 tỷ đồng, giảm 9,1%. Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong kỳ là 625 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm vọt lên 475 tỷ đồng, gấp gần 18 lần cùng kỳ, kéo theo tổng chi bồi thường bảo hiểm tăng lên 422 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với quý III năm ngoái. Diễn biến này khiến Vinare lỗ 160 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Ngoài tác động từ bão Yagi đến mảng bảo hiểm, lợi nhuận gộp hoạt động tài chính và lợi nhuận thuần tại các công ty liên kết thấp hơn cùng kỳ. Trong đó, lãi gộp từ mảng tài chính ở mức 89 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ do chi phí hoạt động tài chính cao hơn.
Ngoài ra, lợi nhuận thuần của các công ty liên kết cũng giảm 58%, xuống còn 5 tỷ đồng. Những mảng kinh doanh khác như bất động sản đầu tư và hoạt động kinh doanh khác đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận của Vinare.
Đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Vinare ở mức 8.723 tỷ đồng, tăng 9%. Trong đó, danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty ở mức 2.987 tỷ đồng, tăng 12,5%; đầu tư tài chính dài hạn đạt 2.435 tỷ đồng, tăng 3%.
Về đầu tư tài chính ngắn hạn, Vinare phân bổ 2.891 tỷ đồng (97% danh mục) vào tiền gửi ngắn hạn. Phần còn lại, công ty chủ yếu ủy thác đầu tư ngắn hạn tại hai đơn vị là Công ty Quản lý Quỹ MB (MBC) với số dư gốc 30 tỷ đồng và Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư SSI (SSIAM) với số dư gốc 70 tỷ đồng. Đến 30/9, giá trị ròng các khoản đầu tư này đạt 115 tỷ đồng.
Về đầu tư tài chính dài hạn, Vinare phân bổ 374 tỷ đồng cho công ty liên kết, 309 tỷ đồng để góp vốn cổ phần, 1.357 tỷ đồng vào trái phiếu dài hạn, 101 tỷ đồng tiền gửi dài hạn và 225 tỷ đồng ủy thác đầu tư.
Vinare đã góp 125 tỷ đồng (tương đương 25% vốn điều lệ) của Công ty TNHH Bảo hiểm Samsung Vina. Khoản vốn điều lệ này tương đương phần sở hữu 374 tỷ đồng tại doanh nghiệp trên.
Ngoài ra, Vinare cũng tham gia góp vốn vào hàng loạt doanh nghiệp như CTCP Bảo hiểm PTI (4,42% vốn điều lệ) , Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long (6,05%), Bảo hiểm Toàn Cầu (4,73%), Bảo hiểm ABIC (8,54%), Bảo hiểm Hùng Vương (6,04%) và TPBank (2,64%).
Với danh mục ủy thác dài hạn, công ty đã đầu tư 230 tỷ đồng thông qua Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBF) và Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF). Giá trị tài sản ròng vào cuối tháng 9 là 311 tỷ đồng.