Một cổ phiếu công ty sản xuất socola đắt giá hơn một chiếc xe Porsche
Nếu lập danh sách các công ty có thể muốn đẩy giá cổ phiếu bằng cách mua cổ phiếu quỹ, nhà sản xuất socola Thụy Sĩ Lindt & Sprungli hẳn sẽ xếp gần cuối.
Giá cổ phiếu phát hành lần đầu của Lindt đóng cửa ở mức 81.600 franc Thụy Sĩ/cp (87.650 USD) vào ngày 1/3. Số tiền này đủ để mua một chiếc xe ô tô điện Porsche Taycan mới cứng hoặc một căn nhà 5 phòng ngủ với vườn nho ở Bồ Đào Nha. Đến ngày hôm sau, Lindt thông báo kế hoạch mua lại 750 triệu USD cổ phiếu, đẩy giá gần tới mức kỷ lục 93.800 franc (111.189 USD) hồi cuối tháng 2, theo Bloomberg.
Nhà đầu tư rất ít khi cần cả trăm nghìn USD chỉ để mua một cổ phiếu. Các cổ phiếu đắt đến vậy hiếm như lá mùa thu.
Cổ phiếu hạng A của Berkshire Hathaway là ví dụ nổi tiếng nhất, được nhiều người coi là minh chứng cho năng lực đầu tư của Warren Buffett. Với giá hiện tại 396.399 USD/cp, về mặt lý thuyết Warren Buffett có thể mua căn nhà của chính mình chỉ với ba chứng chỉ cổ phiếu.
Nhưng với số cổ phiếu tự do chuyển nhượng vỏn vẹn 362.860 đơn vị, cổ phiếu hạng A của Berkshire Hathaway kém quan trọng hơn nhiều so với 1,29 tỷ cổ phiếu hạng B. Mỗi cổ phiếu hạng B của Berkshire Hathaway được trao tay với giá 261 USD.
Ngay cả khi hạ thấp tiêu chuẩn xuống vài trăm lần, số cổ phiếu bluechip có giá hơn 1.000 USD/cp cũng rất ít. Nổi bật trong số đó là các đại gia công nghệ Mỹ như Amazon, các quỹ đầu tư bất động sản của Nhật Bản và một số công ty Thụy Sĩ khác, bao gồm cả đối thủ cạnh tranh của Lindt là Barry Callebaut.
Giống như Berkshire Hathaway, Lindt cũng có hạng cổ phiếu riêng biệt để các nhà đầu tư phổ thông có thể mua bán. Tuy nhiên, mỗi cổ phiếu này vẫn sẽ yêu cầu nhà đầu tư bỏ ra 8.115 franc Thụy Sĩ (8.751 USD) theo giá đóng cửa ngày 11/3.
Có thể bạn muốn hỏi vì sao một công ty lại muốn cổ phiếu của họ đắt đến mức nhà đầu tư thông thường phải bán xe chỉ để mua một đơn vị. Câu hỏi đúng hơn là sao lại không?
Công ty sẽ cần đến nỗ lực đáng kể để duy trì khoảng giá cố định cho những cổ phiếu được săn đón dựa trên kỳ vọng là lợi nhuận sẽ liên tục đi lên. Lợi nhuận ròng của Walt Disney năm 2019 gấp khoảng 80 lần so với năm 1980. Trong khi đó, giá cổ phiếu cuối năm 2019 của Walt Disney chỉ lớn hơn gần gấp 3 so với mức 51,25 USD/cp cuối 1980. Đây là hệ quả của hàng loạt lần chia tách mỗi khi giá đi lên đáng kể so với mốc 100 USD/cp.
Giữ giá cổ phiếu ổn định ở mức thấp là việc làm rất tốn kém. Chia tách cổ phiếu đòi hỏi công ty trả một số tiền đáng kể cho ngân hàng đầu tư.
Ngoài ra nhiều công ty chứng khoán và sàn giao dịch tính phí giao dịch trên cơ sở số lượng cổ phiếu (không phải theo giá trị giao dịch), do đó cổ đông của những công ty có số cổ phiếu đang lưu hành lớn có thể mất nhiều tiền hơn khi giao dịch.
Nghiên cứu năm 2009 do Giáo sư William Weld của Đại học Wisconsin tiến hành ước tính rằng các cổ đông của General Electric có thể đã phải trả hơn 100 triệu USD phí giao dịch "thừa" do công ty nhiều lần chia tách cổ phiếu.
Cách giải thích truyền thống cho sở thích chia tách cổ phiếu của doanh nghiệp là HĐQT muốn lôi kéo thêm nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nếu HĐQT muốn tạo điểm nhấn cho giá cổ phiếu thì họ sẽ không thể trông chờ vào nhà đầu tư tổ chức. Những tay chơi lắm tiền này chẳng suy nghĩ nhiều về việc bỏ ra vài nghìn USD cho mỗi cổ phiếu. Việc mua cổ phiếu của nhà đầu tư tổ chức được thúc đẩy bởi nhu cầu về một danh mục cân bằng và các phân tích kỹ lưỡng về dự báo thu nhập. Họ ít khi mua đi bán lại và do đó khó có thể giúp giá cổ phiếu được mô tả là tăng như vũ bão.
Nhưng nếu hạ giá cổ phiếu xuống mức những nhà đầu tư nhỏ lẻ hăng máu có thể mua được thì định giá có thể nhảy vọt – và phần thưởng của các lãnh đạo cũng vậy.
Tuy nhiên, lối suy nghĩ trên có thể không còn đúng nữa. Trong phần lớn thế kỷ qua, các đợt chia tách cổ phiếu đã khiến giá cổ phiếu thông thường của Mỹ rơi vào khoảng 20-50 USD. Nhưng đến khoảng 10 năm trước, giá cổ phiếu trung vị trong chỉ số S&P 500 bắt đầu tăng mạnh và giờ đã đạt 105,5 USD, tức là hiện có một nửa số cổ phiếu trong S&P 500 có giá trên 105,5 USD/cp và một nửa có giá dưới mốc này.