Món quà ông Biden dành tặng ông Tập vào Tết Nguyên đán
Theo phong tục từ nhiều thế kỷ qua, người Trung Quốc đến thăm và gửi lời chúc mừng đến cấp trên vào Tết Nguyên đán. Các vị khách luôn mang theo quà. Vào đêm giao thừa năm nay 11/2, cuộc điện đàm được chờ đón từ lâu giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã diễn ra.
Nhiều người Trung Quốc vui mừng khi đọc bản tin chính thức về cuộc điện đàm. Họ nghĩ rằng ông Biden đang gửi lời chào lịch sự tới ông Tập và coi đây là dấu hiệu tốt. Đêm đó, hầu hết mọi người đang trao đổi tin nhắn năm mới trên điện thoại và theo dõi chương trình đếm ngược đến năm mới với gia đình.
Một ngày sau, ông Biden còn đi xa hơn, công bố video cho thấy vợ chồng ông gửi lời chúc năm mới dịp Tết Nguyên đán.
Mặc dù video chủ yếu nhắm đến người Mỹ gốc Á và và người vùng Đảo Thái Bình Dương, nhưng một thành viên của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã viết trên blog rằng thông điệp này "được nhiều người coi là thể hiện lập trường của Biden đối với Trung Quốc".
Tuy nhiên, người khác có thể nói rằng ông Biden đang gửi lời chúc tới Đàì Loan.
Xét về tổng thể, tông màu chủ đạo trong căn phòng là màu đỏ, giống với quốc kỳ Trung Quốc. Rõ ràng màu sắc trong video này rực rỡ hơn nhiều những video chúc mừng năm mới của cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Obama phát biểu từ văn phòng hoặc thư viện với lá cờ Mỹ làm nền.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn thì góc trên bên trái video có màu trắng và xanh của chiếc bình hoa, gợi nhớ đến đảo Đài Loan. Trên lá cờ Đài Loan, bầu trời xanh với mặt trời trắng chiếm góc trên bên trái, trùng với vị trí của chiếc bình hoa.
Ông Biden có gửi quà cho ông Tập hay không?
Theo thông cáo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, ông Biden lên án các hành vi kinh tế không công bằng của Trung Quốc, hành động mạnh tay ở Hong Kong, cáo buộc vi phạm nhân quyền với người thiểu số ở Tân Cương và các hành động ngày càng bạo dạn trong khu vực, bao gồm đối với Đài Loan.
Nhưng các bản tin chính thức của Trung Quốc không đăng lời của ông Biden. Thay vào đó, truyền thông nội địa trích lời ông Tập nói rằng các vấn đề của Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương "là công việc nội bộ của Trung Quốc và liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Phía Mỹ nên tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và hành động thận trọng".
Theo Nikkei Asia, ngôn từ của ông Tập thể hiện sự kiềm chế. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng hơn cả là đảm bảo rằng ông Tập nhận được lời chúc mừng năm mới từ ông Biden.
Với việc hầu hết các nhà phân tích dự đoán quan hệ Mỹ-Trung vẫn sẽ nguội lạnh dù Nhà Trắng có chủ nhân mới, Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều công sức để đảm bảo rằng cuộc điện đàm Tập-Biden càng ấm áp càng tốt.
Ưu tiên hàng đầu là tránh quan hệ hai bên đổ vỡ hoàn toàn.
Phía Trung Quốc trích lời ông Biden nói với ông tập rằng hai nước "có thể hợp tác trong biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác". Đối với Trung Quốc, câu nói này đủ để coi là món quà năm mới của ông Biden.
Với sự đảm bảo trên, Trung Quốc hiện có thể dành thời gian khám phá các cách thức hợp tác với Mỹ.
2021 là năm quan trọng với Trung Quốc do nó đánh dấu 100 năm thành lập của Đảng Cộng sản tại nước này. Trung Quốc không thể xung đột với Mỹ ngay trong đầu năm. Dù có thể có bất đồng, Trung Quốc vẫn sẵn sàng tạm thời gạt chúng sang một bên.
Một điểm đáng chú ý là cuộc điện đàm kéo dài suốt hai giờ đồng hồ, theo thông tin từ chính ông Biden.
Khi nói về điện đàm với các tân tổng thống Mỹ, ông Tập có lẽ sẽ muốn quên đi cuộc đối thoại với người tiền nhiệm của ông Biden.
Tháng 11/2016, một thời gian ngắn sau khi ông Trump thắng cử, ông Tập nhanh chóng chúc mừng vị tổng thống tương lai của Mỹ. Bắc Kinh coi ông Trump là một dân buôn, một doanh nhân mà họ có thể dễ dàng thỏa thuận với cái giá hợp lý. Nhưng đó chỉ là mơ tưởng hão huyền.
Ngày 2/12 năm đó, ông Trump có cuộc điện đàm lịch sử 12 phút với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Bắc Kinh nổi trận lôi đình, coi rằng hành động này là sự vi phạm chính sách "một Trung Quốc" mà Mỹ đã hứa sẽ để ý khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.
Trong cuộc nói chuyện, ông Trump còn gọi bà Thái là "tổng thống Đài Loan". Bài đăng sau đó của ông Trump cũng dùng chức danh này để chỉ bà Thái. Phải đến ngày 9/2 năm sau, ông Tập mới một lần nữa nói chuyện với ông Trump. Trong cuộc điện đàm này, ông Trump phải thừa nhận chính sách "một Trung Quốc".
Khi nhìn lại, Tết Nguyên đán cũng là dịp giúp ông Tập và ông Trump thân thiện với nhau hơn.
Ngày 1/2/2017, con gái và con rể ông Trump tham gia buổi tiệc tại sứ quán Trung Quốc ở Washington nhân dịp Tết âm lịch, báo hiệu Mỹ sẵn lòng cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, sự ấm áp đó rốt cuộc không tồn tại được lâu.
Rút ra bài học từ sai lầm quá khứ, ông Tập đã nhận ra cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống mới của Mỹ quan trọng đến mức nào.
Mặc dù các cuộc đàm phán sớm giữa Mỹ và Trung Quốc là điều Bắc Kinh mong muốn, nhưng giới chức Trung Quốc biết họ có nguy cơ mất thế chủ động nếu lao vào đàm phán.
Một ngày sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ, meme (ảnh chế) ông Biden bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Dân mạng chế giễu rằng "Hẳn Biden ghen tị với sự vĩ đại của Trung Quốc".
Ảnh chế bắt nguồn từ phát biểu của ông Biden trong phòng Bầu dục rằng "Nếu chúng ta không hành động, Trung Quốc sẽ sớm cướp miếng ăn của nước Mỹ". Lúc này ông Biden đang nói về sự đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải tiến bước trong vấn đề này.
Lời của ông Biden nhanh chóng được đưa tin rộng rãi tại Trung Quốc. Một số dân mạng Trung Quốc phản ứng giận dữ trước lời lẽ của ông Biden về nước họ. Có người nói rằng Mỹ "đã cướp miếng ăn của các quốc gia khác trong suốt hơn 100 năm".
Bất kể nước nào cướp miếng ăn của nước nào, kịch bản khả dĩ nhất trong tương lai sẽ là "cạnh tranh cực kỳ gay gắt" giữa Mỹ và Trung Quốc.