|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Môi trường kinh doanh mới giai đoạn hậu COVID-19

06:42 | 18/04/2020
Chia sẻ
Tạp chí Economist của Anh cho rằng những công ty vượt qua được cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra hiện nay sẽ phải đối mặt với một môi trường kinh doanh mới.
Môi trường kinh doanh mới giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Trụ sở Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 4/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Đa số chủ doanh nghiệp và người lao động đã từng trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Mỗi cuộc khủng hoảng là khác nhau và sau mỗi cuộc khủng hoảng, các doanh nhân và công ty phải điều chỉnh hoạt động để phục hồi. Mặc dù vậy, cú sốc đối với thế giới kinh doanh lần này thật đáng ngại.

Với các quốc gia chiếm hơn 50% GDP thế giới đang bị phong tỏa, sự sụp đổ của hoạt động thương mại nghiêm trọng hơn nhiều so với các cuộc suy thoái trước đây.

Tương lai sau khi các biện pháp phong tỏa chấm dứt vô cùng bấp bênh, người tiêu dùng lo lắng, sự gián đoạn làm giảm hiệu quả hoạt động và những quy định sức khỏe mới sẽ khắt khe hơn. Về lâu dài, các công ty “sống sót” sẽ phải làm chủ một môi trường mới do cuộc khủng hoảng tạo ra.

Việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy ba xu hướng: Áp dụng mạnh mẽ công nghệ mới, bước thụt lùi không thể tránh khỏi của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự gia tăng đáng lo ngại của sự độc quyền.

Sự thay đổi nổi bật là những tập đoàn khổng lồ gia nhập dịch vụ công cộng. LVMH, nhà sản xuất nước hoa Dior, đang sản xuất nước sát khuẩn tay. Nhà sản xuất ô tô General Motors muốn sản xuất cả máy thở và xe bán tải.

Người sáng lập Alibaba đang phân phối khẩu trang trên toàn thế giới. Các đối thủ trong lĩnh vực bán lẻ đang hợp tác với nhau để đảm bảo các siêu thị có hàng.

Rất ít công ty niêm yết công khai những thiệt hại tài chính do kinh doanh bị đóng băng, do đó các nhà phân tích Phố Wall dự báo lợi nhuận chỉ giảm nhẹ trong năm 2020. Tuy nhiên, cần thận trọng trước những dự đoán này. Trong cuộc suy thoái kinh tế trước, 2/3 các công ty lớn của Mỹ có doanh số sụt giảm.

Trong quý tồi tệ nhất, mức giảm trung bình là 15% so với cùng kỳ năm trước. Lần này, tỷ lệ sụt giảm phổ biến ước tính ở mức trên 50% khi các khu phố mua sắm nhộn nhịp giờ đây vắng bóng người và các nhà máy bị đóng cửa.

Nhiều chỉ số cho thấy tình hình tồi tệ. Nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm 1/3, lượng ô tô và linh kiện được vận chuyển trên các tuyến đường sắt của Mỹ đã giảm 70%. Hàng trong kho và lượng tiền mặt của nhiều công ty chỉ đủ tồn tại trong 3-6 tháng, kết quả là họ đã bắt đầu sa thải người lao động.

Trong hai tuần đến ngày 28/3, 10 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Ở châu Âu, khoảng 1 triệu doanh nghiệp đã vội vã xin khoản trợ cấp nhà nước để hỗ trợ tiền lương cho các lao động phải nghỉ làm. Các khoản cổ tức và đầu tư bị cắt giảm.

Sự suy sụp lây lan đến cả các chuỗi thương mại nội địa. Nhà bán lẻ H&M đang yêu cầu hoãn trả tiền thuê mặt bằng, gây tổn thương cho các công ty bất động sản thương mại.

Một số chuỗi cung ứng có sự tham gia của nhiều quốc gia đang bị đình trệ vì nhà máy đóng cửa và các biên giới bị kiểm soát. Biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch của Italy đã làm gián đoạn dòng chảy toàn cầu của mọi thứ, từ phô mai đến các bộ phận của máy bay phản lực.

Trong hai cuộc suy thoái vừa qua, khoảng 1/10 các công ty trên toàn cầu có xếp hạng tín dụng “vỡ nợ”. Sự tồn tại của các doanh nghiệp giờ đây phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, bảng cân đối kế toán và khả năng tiếp cận các khoản cho vay, bảo lãnh và viện trợ của chính phủ - lên tới 8.000 tỷ USD ở các nền kinh tế phương Tây lớn.

Nếu công ty bán bánh kẹo hoặc chất tẩy rửa, triển vọng là tốt. Nhiều công ty công nghệ cũng đang chứng kiến nhu cầu gia tăng.

Các công ty nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn nhất. 54% các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đã tạm thời đóng cửa hoặc dự kiến sẽ đóng cửa trong 10 ngày tới. Các công ty này không có khả năng tiếp cận thị trường vốn. Không có các mối quan hệ ở cấp cao, họ cũng khó nhận được sự trợ giúp của chính phủ.

Cho đến nay, mới chỉ 1,5% gói trợ giúp trị giá 350 tỷ USD của Mỹ dành cho các doanh nghiệp nhỏ được giải ngân và nỗ lực cứu trợ của Anh cũng chậm chạp. Các ngân hàng đang vật lộn để giải quyết các quy định mâu thuẫn nhau và tình trạng tràn ngập các đơn xin vay.

Một khi phong tỏa chấm dứt, một giai đoạn mới sẽ bắt đầu. Các công ty sẽ hoạt động trở lại, nhưng ở mức vừa phải, Trung Quốc hiện nay chỉ hoạt động ở mức 80-90% công suất. Sự điều chỉnh linh hoạt, chứ không chỉ sức mạnh tài chính, sẽ là những lợi thế cho phép các công ty tăng tốc công suất.

Điều đó có nghĩa là sắp xếp lại các dây chuyền ở nhà máy để tạo khoảng cách vật lý, giám sát từ xa và vệ sinh kỹ càng. Các công ty phải gặp gỡ trực tiếp người tiêu dùng sẽ cần tạo dựng lại lòng tin và sự an tâm cho khách hàng. Hơn 1/4 trong số 2.000 công ty hàng đầu thế giới có tiền mặt nhiều hơn nợ. Một số công ty sẽ mua các đối thủ để mở rộng thị phần hoặc đảm bảo nguồn cung và phân phối.

Công việc của ban lãnh đạo không chỉ là giữ cho các công ty hoạt động mà còn đánh giá triển vọng dài hạn. Cuộc khủng hoảng lần này thúc đẩy mạnh ba xu hướng.

Đầu tiên, áp dụng nhanh hơn các công nghệ mới. Thế giới đang phụ thuộc vào thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và làm việc từ xa. Nhiều phát minh y tế "vẫy gọi", bao gồm các công nghệ chỉnh sửa gen.

Thứ hai, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được sắp xếp lại, với tốc độ được đẩy nhanh hơn kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Apple chỉ có hàng dự trữ trong 10 ngày và nhà cung cấp chính của Apple ở châu Á, Foxconn, có 41 ngày.

Các công ty sẽ tìm kiếm tấm đệm an toàn lớn hơn và địa điểm đặt các hoạt động sản xuất quan trọng “gần nhà” hơn bằng cách sử dụng các nhà máy tự động cao. Đầu tư kinh doanh xuyên biên giới có thể giảm 30-40% trong năm nay. Các công ty toàn cầu sẽ có thể có ít lợi nhuận hơn, nhưng có sức mạnh bền bỉ hơn.

Sự thay đổi dài hạn cuối cùng ít chắc chắn hơn và không được chào đón, đó là sự gia tăng của chủ nghĩa thân hữu trong giới doanh nghiệp khi tiền của chính phủ rót vào khu vực tư nhân song các công ty lớn chiếm ưu thế. 2/3 các ngành công nghiệp Mỹ đã trở nên tập trung hơn kể từ những năm 1990, làm suy yếu sức sống của nền kinh tế.

Giờ đây, một số ông chủ hùng mạnh đang chào đón một kỷ nguyên mới của sự hợp tác giữa các chính trị gia và các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những công ty nằm trong danh sách các công ty ngày càng mở rộng và được coi là “chiến lược”. Xu hướng này có thể dẫn đến hối lộ nhiều hơn, giảm cạnh tranh và khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Giống như tất cả các cuộc khủng hoảng, đại dịch COVID-19 sẽ qua đi và khi đó một làn sóng năng lượng kinh doanh mới sẽ được giải phóng.

Đình Thư