|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Mỗi thập kỷ, Việt Nam sẽ giảm 1 điểm phần trăm tăng trưởng'

14:36 | 28/10/2016
Chia sẻ
"Nếu vẫn giữ điều hành ổn định vĩ mô như hiện nay, trong thập kỷ tiếp theo Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng ở mức 5% mỗi năm”, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung.
moi thap ky viet nam se giam 1 diem phan tram tang truong
Tăng trưởng kinh tế. Minh họa: Tiền phong.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết, nhìn vào thực tế tăng trưởng 30 năm sau đổi mới, mỗi thập kỉ, tăng trưởng của Việt Nam giảm 1 điểm phân trăm. "Nếu vẫn giữ điều hành ổn định vĩ mô như hiện nay, trong thập kỷ tiếp theo Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng ở mức 5% mỗi năm”, ông Cung nhận xét.

Quan điểm được nêu tại buổi Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung Ương (CIEM) công bố 28/10.

Tiềm năng tăng trưởng không ấn tượng

Theo tính toán của CIEM, mức tăng trưởng cả năm sẽ là 6,33%, quý IV ước đạt 7,19%. CIEM cho rằng mức tăng trưởng thực tế thấp hơn mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đưa ra đầu năm, ngay cả 6,5% cũng khó đạt được.

Tăng trưởng kinh tế phục hồi tương đối chậm. Tuy nhiên, điều này không phải do đặt mục tiêu quá cao mà so với tiềm năm những năm trước không có gì ấn tượng, tăng trưởng thấp hơn 9 tháng cùng kì của các năm trước, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban kinh tế vĩ mô của CIEM nhận định.

Nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang gặp nhất nhiều khó khăn với thiên tai, lũ lụt và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, từ quý III này trở lại, ngành nông nghiệp đã tăng trưởng 1,48% sau 2 quý âm liên tiếp.

Hàng xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn lên giá trong bối cảnh tỉ giá trong và ngoài nước đều ổn định. Như vậy, bản chất hàng Việt Nam đang đắt lên do giá trong nước tăng. Sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường hàng hóa thế giới bị ảnh hưởng với chính cách điều hành giá của Chính phủ, ông Dương nhận xét.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 124,9 tỉ USD sau 9 tháng, tăng 6,6%, thấp hơn mục tiêu kì vọng 10% của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Dương, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tốt. Điều đáng lo ngại là sự việc Samsung thu hồi điện thoại Galaxy Note 7, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp này chững lại. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào khối FDI, thậm chí, một số doanh nghiệp lớn chiếm hầu hết tỉ trọng.

Bên cạnh đó, số liệu cập nhật đến hôm qua (27/10), Chính phủ đã phát hành 270.000 tỉ trái phiếu, chỉ còn 10.000 tỉ nữa là đạt chỉ tiêu cả năm. Ông Dương cho rằng, Chính phủ đang làm ảnh hưởng tới đầu tư tư nhân. Lãi suất trái phiếu cao khiến các nhà đầu tư tư nhân quan tâm không còn đổ tiền vào đầu tư sản xuất nữa. “Phát hành nhiều trái phiếu là lo ngại, không phải thành tích”, ông Dương nói.

Thay đổi nguồn tăng trưởng

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, vấn đề của Việt Nam là Chính phủ đang dùng công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng mà không thay đổi nền tảng.

Điều hành vĩ mô là để ổn định tăng trưởng chứ không phải thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi, hiện nay Nhà nước vẫn tăng huy động, tăng đầu tư, tăng tín dụng, từ đó chính sách tài khóa mở rộng, tiền tệ mở rộng, giải ngân nhanh, sử dụng hàng loạt gói tín dụng, ông Cung cho biết.

Lạm phát cả năm ước tính 4,66%, vẫn dưới mục tiêu điều hành của Ngân hàng nhà nước. Sức ép với lạm phát cơ bản không nhiều, tuy nhiên áp lực chính lại dồn lên lạm phát đẩy và ảnh hưởng tới mức giá cơ bản. Dư địa cho lạm phát đến cuối năm không còn nhiều, dồn tăng giá dịch vụ công cho năm sau sẽ đẩy áp lực lên điều hành năm 2017.

Trong khi đó, Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào giá, điều này tác động đến các ngành sản xuất và giá cả mặt hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Dương nhận định, việc xác định ngành trọng tâm còn dàn trải ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế. Ông Dương lấy ví dụ, đầu tư cho các gói xây dựng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành, nhưng trên vĩ mô, đồng ý tăng trưởng ngành này sẽ giảm bớt đầu tư cho ngành khác. Trong khi đó, lãi suất của nhóm xây dựng rất cao (do lợi nhuận, rủi ro cao) dẫn tới áp lực vô hình chung đè lên tất cả các ngành khác.

Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã bớt cứng nhắc hơn khi đặt mục tiêu tăng trưởng. Nhà điều hành chính sách thận trọng hơn với các ý kiến tăng khai thác dầu hay bơm thêm tiền vào nền kinh tế để thúc đẩy trăng trưởng.

Khác với các năm trước có nhiều mục tiêu về chính sách tiền tệ và tài khóa, năm nay, Ngân hàng Nhà nước không đặt mục tiêu tỉ giá. Thay đổi này giảm áp lực ngân hàng, giảm ‘xơ cứng’ hệ thống tiền tệ lưu thông trên thị trường. Có nhiều chỉ thị hành chính khác nhau, thị trường rất khó hoạt động, ông Dương cho biết.

Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi nguồn tăng trưởng, ông Nguyễn Đình Cung cho biết. Thay vì tăng trưởng dụa vào số lượng, vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, mô hình tăng trưởng mới nên dựa vào hiệu quả và năng suất của nền kinh tế.

Ông Cung đưa ra tính toán, theo đúng mô hình như hiện nay, chỉ cần thêm 2 chỉ tiêu thắt chặt kỉ luật chi tiêu ngân sách và đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng.

Nhà nước sẽ đối diện với nguy cơ khan hiếm nguồn lực trong giai đoạn tới. Do đó, cần cân nhắc lĩnh vực tốt nhất để đầu tư. Tái cơ cấu kinh tế, phân bổ lại nguồn lực bằng cơ chế thị trường là yêu cầu cấp thiết, Viện trưởng CIEM nhận định.

Thái Hoàng