|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mối quan hệ 'cộng sinh' kỳ lạ giữa Apple và Facebook

07:13 | 15/08/2022
Chia sẻ
Apple và Facebook từng thảo luận nhiều sắp xếp liên quan đến chia sẻ doanh thu nhưng không tìm được tiếng nói chung.

Tranh cãi không hồi kết về riêng tư, bảo mật giữa Apple và Facebook đang khiến nền kinh tế số chao đảo và các công ty đang phải chuyển hướng hàng tỷ USD ngân sách quảng cáo khi người dùng ngày càng giới hạn lượng dữ liệu mà họ sẵn sàng chia sẻ.

Tranh cãi nổ ra từ năm ngoái khi Apple ra mắt bản cập nhật iOS 14.5, phiên bản hệ điều hành yêu cầu các ứng dụng phải xin ý kiến người dùng rõ ràng trước khi theo dõi hành vi của họ trên các thiết bị di động. Tuy nhiên, Facebook và Apple không phải khi nào cũng đối đầu với nhau. Thực tế, họ thiếu chút nữa đã trở thành đối tác kinh doanh của nhau.

Nhiều năm trước sự thay đổi này, Apple gợi ý một loạt các thoả thuận có thể giúp Apple nhận được chia sẻ doanh thu từ Facebook, theo nguồn tin thân cận. Một người nhớ lại rằng đại diện Apple nói rằng họ muốn “phát triển kinh doanh cùng nhau”.

Một ý kiến được nêu ra là tạo ra một phiên bản Facebook trả phí và không có quảng cáo. Vì người dùng thu một phần doanh thu từ các giao dịch bên trong App Store, một phiên bản Facebook như vậy có thể mang lại nguồn doanh thu không nhỏ cho nhà sản xuất iPhone.

Hai công ty cũng thảo thuận về việc Apple muốn chia sẻ doanh thu từ dạng bài đăng tăng cường. Dạng bài đăng này cho phép người dùng trả tiền để bài đăng tiếp cận được nhiều người dùng hơn trên Facebook hoặc Instagram. Facebook coi đây là một dạng quảng cáo. Trong khi đó, Apple nói rằng đây là một dạng mua trong ứng dụng và Apple muốn chia sẻ 30% doanh thu. (Apple thường không lấy chia sẻ doanh thu từ hoạt động quảng cáo).

Apple và Facebook (nay là Meta) không đạt được sự đồng thuận nào.

 Apple khiến các công ty khó truy cập được dữ liệu người dùng hơn. (Ảnh: Getty). 

Trong số người dùng iPhone và iPad Mỹ, 37% chọn cho phép các công ty theo dõi họ trên các thiết bị di động, theo Insider Intelligence. Với việc có quá ít người làm điều này, thay đổi của Apple mang đến những tác động lớn cho hệ sinh thái quảng cáo số.

Theo ước tính của Lotame, một công ty quản trị dữ liệu, thay đổi của Apple có thể khiến các công ty như Facebook, Twitter, Snap và YouTube mất 17,8 tỷ USD doanh thu tới thời điểm hiện tại trong năm 2022.

Giá trị vốn hoá của Facebook đã “bay mất” khoảng 600 tỷ USD trong chưa đến một năm. Tháng trước, sau hơn 1 năm Apple áp dụng các thay đổi, Meta, công ty mẹ của Facebook, công bố đợt sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ năm trước đầu tiên kể từ khi công ty này thực hiện IPO vào năm 2021.

Lãnh đạo cao cấp của Apple và Meta thường xuyên đưa ra các quan điểm đối lập về vấn đề này. Trong khi Apple tập trung vào riêng tư người dùng, Meta nhấn mạnh các lợi ích của quảng cáo trực tuyến có tính cá nhân hoá cao.

Apple và Facebook thực tế đã thực hiện nhiều cuộc đàm phán, chủ yếu diễn ra từ năm 2016 đến năm 2018, trong nỗ lực tìm kiếm một “sân chơi” chung trước khi mối quan hệ giữa hai bên ngày càng trở nên căng thẳng.

“Mỗi ngày, chúng tôi đều gặp và hợp tác với các nhà phát triển ở mọi quy mô để đưa ra các gợi ý, giải quyết các lo lắng và giúp họ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh”, một người phát ngôn của Apple nói. Người này khẳng định các quy tắc cho các nhà phát triển ứng dụng như Facebook đều được “áp dụng giống nhau với tất cả các nhà phát triển vì chúng tôi tin rằng sự công bằng sẽ mang đến trải nghiệm người dùng tốt nhất”.

Cùng lúc, một người phát ngôn của Meta nói rằng công ty “đã thực hiện nhiều thay đổi lớn trong 5 năm qua để bảo vệ dữ liệu người dùng trong khi giúp các doanh nghiệp ở mọi quy mô phát triển”.

Trong nhiều năm, Apple và Facebook đã có một sự “cộng sinh” độc đáo: Apple kiểm soát App Store, cánh cổng để hàng trăm triệu người dùng có thể tải về các ứng dụng như Facebook, Instagram, Messenger hay WhatsApp. Mặc dù các sản phẩm của Facebook luôn nằm trong số các ứng dụng phổ biến nhất trên iPhone, chúng không mang đến bất kỳ một nguồn doanh thu nào cho Apple. Một số nguồn tin nói rằng điều này đã khiến một số lãnh đạo Apple bực bội.

Là nhà sản xuất iPhone, Apple cũng kiểm soát tính năng theo dõi định danh thiết bị . Trong hơn 10 năm, đây chính là thứ giúp Facebook có thể khai thác dữ liệu và triển khai các quảng cáo có tính cá nhân hoá cao.

Một người phát ngôn của Apple khẳng định không có mối quan hệ giữa bất kỳ thảo luận hợp tác nào với những thay đổi về riêng tư, bảo mật mà công ty này đã áp dụng. Nguồn tin nói rằng Apple đã thảo luận các mô hình kinh doanh tương tự với nhiều nhà phát triển ứng dụng khác.

Thảo luận với Facebook được thực hiện trong bối cảnh Apple đang chuyển tập trung từ phần cứng sang phần mềm, dịch vụ.

Đến năm 2018, Apple tung ra các thay đổi đối với trình duyệt Safari khiến các công ty như Facebook không theo dõi được người dùng qua công cụ này nếu như không xin phép. Mục tiêu tiếp theo của Apple: Các ứng dụng cũng áp dụng chính sách tương tự.

Tại trụ sở của Facebook, Mark Zuckerberg và các cộng cụ cũng bắt đầu cân nhắc các thay đổi, bao gồm cả giải pháp dừng thu thập dữ liệu từ các công ty khác phục vụ cho việc quảng cáo trúng đích, nguồn tin thân cận nói. Bằng cách này, Facebook sẽ giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ như Apple hay Google.

Thế nhưng, Mark Zuckerberg đã quyết định không thay đổi phần lớn các hoạt động thu thập dữ liệu của mình. Một vài lý do được đưa ra là công chúng sẽ không bao giờ chấp nhận Facebook là một công ty đi đầu trong việc bảo vệ người dùng. Trong khi đó, nhiều người quan ngại về ảnh hưởng tới doanh thu.

Khi Apple công bố sự thay đổi vào tháng 6/2020, ngành công nghiệp quảng cáo số bị “sốc”. Apple chính thức áp dụng thay đổi vào tháng 4/2021.

Một thời gian ngắn sau đó, Facebook cân nhắc lại ý tưởng về một phiên bản trả phí không quảng cáo của Facebook. Tuy nhiên, điều này đến nay vẫn chưa được hiện thực hoá.

Nam Khánh

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.