Mỗi ngày Vinamilk chi 3 tỷ đồng quảng cáo, quý I/2018 lãi ròng 2.700 tỷ đồng đồng
Ba tháng đầu năm 2018, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.120 tỷ đồng, tăng chưa đầy 1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do giá vốn bán hàng tăng khoảng 6% lên gần 6.634 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận gộp đạt 5.487 tỷ đồng, giảm gần 6%. Biên lãi gộp trong kỳ đạt 45%, giảm so với mức 48% của cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 190 tỷ, giảm 5%. Chi phí bán hàng chiếm áp đảo sau giá vốn và có xu hướng tăng lên 2.318 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quảng cáo cho thấy mỗi ngày Vinamilk tốn khoảng 3 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước là 3,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, Vinamilk có 64 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác, gấp đến 11 lần cùng kỳ.
Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 2.683 tỷ đồng, giảm 9% và đạt 25% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.701 tỷ đồng, giảm 8%. EPS đạt 1.677 đồng, cùng kỳ là 1.799 đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, tính đến 31/3/2018, tổng tài sản của Vinamilk đạt 35.329 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đường tiền của Vinamilk giảm hơn 40% còn 563 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi ngân hàng dưới 3 tháng) giảm khoảng 9% còn 9.662 tỷ đồng. Trong đó có 190 tỷ đồng là đầu tư tái phiếu 36 tháng của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) hưởng lãi suất 7,5%/năm và đáo hạn vào tháng 9/2018.
Đáng chú ý, Vinamilk có 600 tỷ đồng tài sản đầu tư tài chính dài hạn đến ngày đáo hạn, đầu kỳ không có khoản này. Vinamilk cho biết đây là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 6 tháng đến 13 tháng, hưởng lãi suất năm từ 4,2-7,35%/năm.
Chi phí xây dựng dở dang cho thấy, Vinamilk đã rót hơn 2.200 tỷ đồng đầu tư các dự án như Nhà máy sữa, Nhà máy Nước giải khát, trang trại bò sữa Tây Ninh và dự án khác.
Cơ cấu nợ cho thấy, phải trả ngắn hạn khác giảm gần 80% còn 585 tỷ đồng; ngược lại vay ngắn hạn tăng lên đến 1.560 tỷ đồng, gấp 5,8 lần đầu năm.