Mốc tiếp theo của VN-Index là bao nhiêu điểm sau hai tháng thăng hoa?
Chứng khoán Việt Nam khởi sắc hơn nhiều thị trường trong khu vực
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 9 khởi sắc, ghi nhận tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Sau khi giảm 3,24% trong tháng 7 do những lo ngại về COVID-19 bùng phát trở lại, VN-Index tăng lần lượt 10,43%, 2,67% trong tháng 8 và 9.
Đà tăng của thị trường trong 2 tháng cuối quí III được dẫn dắt bởi các cổ phiếu ngân hàng (CTG, VCB, MBB), thép (HSG, HPG), hàng tiêu dùng – bán lẻ (VNM, BHN, MWG). Ngược lại, VHM, GAS, PLX giảm giá, kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Trong tháng 9, VN-Index lình xình quanh mốc 900 điểm. Động thái chốt lời khi chỉ số tiệm cận vùng kháng cự này và sự điều chỉnh của TTCK Mỹ tác động lên tâm lí của giới đầu tư trong nước. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của dòng tiền đã giúp thị trường trở lại đà tăng nhanh chóng sau đó.
Theo đánh giá từ Chứng khoán BSC, thanh khoản của thị trường gia tăng phản ánh tâm lí lạc quan thời điểm hiện tại.
Điểm nhấn, nhà đầu tư trong nước vẫn đóng vai trò lớn về dòng tiền tham gia thị trường. Mặc dù giảm nhẹ so với 2 tháng trước đó, giá trị giao dịch của NĐT cá nhân trong nước vẫn chiếm 78,8% thị trường, cao hơn mức bình quân trong một năm gần đây là 74,1%.
Đáng chú ý, trong quí III, TTCK Việt Nam đón nhận thêm quĩ mới mở đến từ Đài Loan – CTBC Vietnam Equity Fund. Chỉ trong thời gian ngắn, quĩ ngoại này huy động được 160 triệu USD, danh mục quĩ tập trung vào VN Diamond ETF.
Như vậy, sau khi bật tăng mạnh trong quí III, TTCK Việt Nam đang có trạng thái tích cực hơn nhiều thị trường khác trong khu vực. Đơn cử, VN-Index giảm 5,8% tính từ đầu tư, trong khi chỉ số JCI của Indonesia giảm 22,7% so với đầu năm, SET của Thái Lan giảm 21,7%, PCOMP của Philippines cũng giảm đến 25%.
Mốc tiếp theo của VN-Index là bao nhiêu điểm?
Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn đổi mặt với những vấn đề như việc rút ròng từ khối ngoại. Trong tháng 9, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VHM của Vinhomes, NĐT nước ngoài tiếp tục rút ròng khỏi thị trường.
Cùng với đó, tâm lí chốt lời thường trực, sức căng margin cũng là những yếu tố cần lưu tâm. Ghi nhận trong tháng 9, giá trị giao dịch bình quân ngày tăng 22% so với tháng trước đó, đạt mức cao nhất trong 3 tháng qua.
Trong giai đoạn hiện tại, câu hỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng hay điều chỉnh sau hai tháng nổi sóng và mục tiêu tiếp theo của VN-Index là bao nhiêu điểm được nhiều NĐT quan tâm.
Theo góc nhìn từ Mirae Asset (Việt Nam), xung lực tăng của thị trường được củng cố bởi chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp tục và COVID-19 đang được kiểm soát hiệu quả. Công ty chứng khoán này dự báo VN-Index tích lũy và đi lên vùng 880 – 940 điểm trong tháng 10.
Cùng với đó, Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng khả năng điều chỉnh sâu của thị trường khó có thể xảy ra và nhóm ngành tài chính – ngân hàng, vật liệu xây dựng, BĐS khu công nghiệp tiếp tục dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Lạc quan hơn, Yuanta Việt Nam nhận định VN-Index hướng đến mức 970 điểm trong tháng 10. Tuy nhiên, VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 870 – 880 điểm trước khi hướng về mốc 970 điểm.
Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường có thể đi ngang trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng và hiệu ứng "tin ra là bán" khi các doanh nghiệp niêm yết công bố KQKD quí III trong tháng 10.
Mặt khác, các diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán thế giới đến từ kết quả bầu cử Tổng thống, gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ và COVDI-19 chưa cho thấy tín hiệu lạc quan nào cho VN Index. Do đó, VN Index có thể dao động trong khoảng 865 - 920 điểm, báo cáo của VDSC nêu.
Trên đây là góc nhìn ngắn hạn về thị trường được các công ty chứng khoán đưa ra. Dự báo trong quí cuối năm, Chứng khoán BSC đánh giá VN-Index giữ được vị thế chủ yếu ở trên ngưỡng 900 điểm và dự kiến vận động trong khu vực 890-940.
Theo Chứng khoán BSC, KQKD quí III dự báo khả quan với điểm nhấn là ngành Thép và Ngân hàng. Diễn biến thế giới giữ được trạng thái ổn định, vắc xin COVID-19 được thử nghiệm thành công.
Diễn biến Bầu cử Mỹ trong tháng 10 có thể tác động trong ngắn hạn, nhưng mức độ ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam là không cao. Bên cạnh đó, kỳ họp Quốc hội tháng 11 diễn ra tốt đẹp có thể có tác động tích cực lên thị trường.
Với kịch bản kém khả quan, VN-Index xuất hiện điều chỉnh về khu vực 870 - 890 điểm nếu thị trường thế giới chuyển sang xu hướng giảm và trạng thái rút ròng của khối ngoại trở nên tiêu cực hơn.
Trên góc nhìn tích cực, chuyên gia phân tích từ KB Việt Nam nhận định dư địa tiếp tục tăng giá của VN-Index vẫn còn, dù không quá dồi dào khi vẫn còn đó nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn.
Các yếu tố như vĩ mô ổn định, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp dòng tiền mới dồi dào, vấn đề "room" ngoại có tín hiệu sớm được giải quyết, các nước tiếp tục mở cửa kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ổn định… KB Việt Nam kì vọng TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà hồi phục lên mức quanh 960 điểm vào những tháng cuối năm 2020.
Tổng hợp lại có thể thấy rằng các công ty chứng khoán vẫn đang có góc nhìn tương đối tích cực vào triển vọng của TTCK Việt Nam trong tháng 10 và quí cuối năm. Sự kì vọng được đưa ra dựa trên các yếu tố như vĩ mô, dòng tiền "rẻ", kết quả kinh doanh quí III.