Mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm
Theo đó, năm nay tỉnh Bạc Liêu có kế hoạch gieo sạ hơn 39.000ha lúa trên đất nuôi tôm, tăng gần 2.000 ha so với năm ngoái.
Thực hiện khung lịch thời vụ sản xuất của ngành nông nghiệp, những ngày qua, tranh thủ điều kiện thuận lợi, lượng mưa tương đối nhiều, nông dân đã xuống giống được hơn 1.000 ha.
Hiện, phần lớn diện tích đang được bà con khẩn trương rửa mặn, cải tạo đất để tập trung gieo sạ vào giữa tháng 9 này.
Nông dân Bạc Liêu cải tạo đất chuẩn bị gieo sạ lúa trên đất nuôi tôm.
Dự báo, năm nay, mực nước ngọt đầu nguồn đổ về thấp, mùa mưa kết thúc sớm nên ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên tranh thủ điều kiện thuận lợi, tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa trên đất nuôi tôm sớm để tránh tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ở giai đoạn lúa cuối vụ.
Ban chỉ đạo điều tiết nước của tỉnh cũng đã vận hành hệ thống cống ngăn mặn vùng ngọt và vùng mặn.
Các cống vùng mặn sẽ mở ra một chiều hoặc đóng lại. Các cống vùng ngọt hạn chế mở tiêu úng, xổ phèn vào những ngày triều cường và lấy nước mặn vào nuôi tôm vùng phía Nam Quốc lộ 1A.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, qua thực tế triển khai thực hiện mô hình lúa-tôm thời gian qua tại vùng phía Bắc Quốc lộ 1A cho thấy, mô hình này đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng xuất và lợi nhuận trung bình cao hơn từ 15-30% so với độc canh lúa hoặc tôm.
Nếu chỉ độc canh con tôm như trước đây thì hiệu quả bình quân khoảng 45 triệu đồng/ha/năm nhưng khi kết hợp với trồng lúa thì hiệu quả tăng lên hơn 56 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận tăng thêm gần 11 triệu đồng/ha/năm.