Nông dân trồng lúa Campuchia đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng
Người nông dân trồng lúa tại Campuchia. Ảnh: The Asian Post
Hiệp ước EBA cho phép 49 quốc gia kém phát triển nhất thế giới hưởng miễn thuế đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu trừ vũ khí và đạn dược vào các thị trường quan trọng của EU.
Trong khi các ngành may mặc và giày dép sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất nếu chương trình thương mại này bị hủy bỏ, ngành lúa gạo của Campuchia có thể sẽ phải đối mặt với giai đoạn khó khăn sắp tới.
Sau một đợt hạn hán lịch sử và chính sách áp thuế quan một lần nữa của EU đối với gạo đã giảm một nửa lượng xuất khẩu sang châu Âu, nông dân trồng lúa Campuchia lại tiếp tục phải lo lắng về khả năng ưu đãi miễn thuế của EBA sẽ bị dừng lại vì lo ngại của EU về tự do chính trị, quyền con người và quyền lao động.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 22/8, Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) lưu ý hầu hết 500.000 gia đình ở Campuchia, những người mưu sinh bằng nuôi trồng gạo nhài thơm, đã bị tác động bởi các mức thuế áp lên gạo Campuchia vào tháng 1.
Gạo nhài thơm vẫn bị áp thuế bất chấp thực tế là giống lúa này có đặc điểm địa lí và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm được trồng ở EU.
"Như thể điều này không đủ tổn thất, EU đang xem xét rút chương trình EBA. Các nhà lập pháp EU đang đe dọa chấm dứt thỏa thuận nhằm gây sức ép cho việc cải cách chính sách ở Campuchia", đại diện Liên đoàn gạo cho biết.
Tầm quan trọng của EBA
Hiệp ước EBA đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa từ Campuchia sang châu Âu kể từ năm 2003. Hiệp ước này là một nền tảng an toàn giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và thịnh vượng của toàn bộ nền kinh tế trong một thị trường thế giới ngày càng khắt khe.
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia sau Trung Quốc, và hàng hóa xuất khẩu Campuchia sang EU đạt 5,47 tỉ USD vào năm ngoái, chiếm hơn một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu, với hàng may mặc và giày dép chiếm phần lớn trong tổng số đó.
Hơn 95% hàng xuất khẩu của Campuchia xuất sang EU đã tận dụng các ưu đãi của EBA.
Tháng 5, Ngân hàng Thế giới ước tính xuất khẩu của Campuchia sang thị trường châu Âu có thể giảm 654 triệu USD mỗi năm nếu ưu đãi thương mại EBA bị tạm hõa
Trong tháng 2, EU đã bắt đầu triển khai một đợt điều tra kéo dài 18 tháng có thể dẫn đến việc đình chỉ EBA tại Campuchia.
Tháng 6, EU đã gửi một nhiệm vụ giám sát tới Campuchia, trong đó lưu ý các bước mà nước này đang thực hiện nhằm cải thiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tự do liên kết và thương lượng tập thể, cũng như giải quyết một số tranh chấp đất đai liên quan đến nhượng bộ đất kinh tế.
EU dự kiến sẽ đưa ra một báo cáo dựa trên những phát hiện và kết luận của mình trong tháng này và Campuchia sẽ có một tháng để trả lời.
Thuế quan của EU đối với gạo Campuchia
Nông dân trồng lúa ở Campuchia đã cảm nhận được những khó khăn từ việc EU áp thuế nhập khẩu trở lại đối với gạo vào tháng 1.
Khiếu nại từ nông dân Italy và Tây Ban Nha rằng họ đang phải hạ giá bán đã dẫn đến một cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu (EC), trong đó xác nhận việc tăng nhập khẩu gạo từ Campuchia và Myanmar đã gây thiệt hại kinh tế cho các nhà sản xuất gạo châu Âu.
Sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia nửa đầu năm 2019, nguồn: The Asian Post
Do đó, EU quyết định áp thuế nhập khẩu gạo đối với cả hai nước này. Bắt đầu từ 175 euro/tấn (195 USD/tấn) trong năm nay, mức thuế sẽ giảm xuống 150 euro/tấn (167 USD/tấn) vào năm 2020 và 125 euro/tấn (139 USD/tấn) vào năm 2021.
Giá niêm yết của CRF dao động trong khoảng 475 - 485 USD/tấn đối với gạo trắng hạt dài, 790 - 805 USD/tấn đối với gạo thơm và 1.035 - 1.045 USD/tấn đối với gạo hoa nhài, trong đó đã gồm thuế của EU có hiệu lực từ tháng 1/2019.
Campuchia đã xuất khẩu hơn 93.000 tấn gạo sang EU trong 6 tháng đầu năm 2019, gần một nửa lượng xuất khẩu trong cùng kì năm 2018.
Hợp tác với Trung Quốc
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bảo đảm với người dân Campuchia rằng Trung Quốc sẽ đến viện trợ nếu EU rút lại kế hoạch thương mại EBA.
Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu 400.000 tấn gạo của Campuchia trong năm nay, tăng từ 300.000 tấn vào năm ngoái, và dữ liệu của chính phủ Campuchia cho thấy xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã tăng 66% trong nửa đầu năm 2019 lên 118.401 tấn.
Tuy nhiên, sẽ là không thực tế khi hi vọng Trung Quốc sẽ bù đắp toàn bộ khoản lỗ liên quan đến EBA khi dữ liệu Ngân hàng thế giới chỉ ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ nhập 355 triệu USD giá trị hai loại hàng xuất khẩu chủ lực của Campuchia là giày dép và may mặc trong năm 2017.
Trung Quốc đã là chủ nợ lớn nhất và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh nhất của Campuchia. Quốc gia Đông Nam Á này đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và do đó nên tìm một cách tiếp cận đa phương hơn để bảo đảm đa dạng hóa kinh tế, theo The Asia Post.