|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Mở khoá' thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng cách nào?

11:32 | 13/04/2024
Chia sẻ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, CEO TCBS để mở khoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì quá trình lấy lại niềm tin của nhà đầu tư rất quan trọng. Trong đó, ngoài tổ chức phát hành và nhà đầu tư, thị trường cũng rất cần vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hay bảo lãnh trái phiếu.

Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thị trường vốn nợ 2024 diễn ra chiều 12/4 là việc làm sao để "mở khoá" thị trường vốn nợ sau hai năm bị đóng băng?

Chi phí vốn của DN Việt Nam cao hơn các nước tương đồng

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc, FiinRatings, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí vốn cao hơn các doanh nghiệp từ các nước tương đồng trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam thấp hơn nhưng trên thực tế nhiều chỉ số của Việt Nam còn cao hơn các nước khác.

Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia thấp hơn khiến doanh nghiệp tốt nhất của Việt Nam vẫn phải vay vốn với lãi suất cao hơn các doanh nghiệp kém hơn ở các nước tương đồng nhưng có mức xếp hạng tín nhiệm cao hơn.

Tìm giải pháp cho vấn đề này, ông Thuân cho rằng tất cả các thành viên thị trường trong đó có các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát hành, cơ quan quản lý, chuyên gia và cả đơn vị xếp hạng tín nhiệm như FiinRatings đều phải nỗ lực để khôi phục và phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường vốn nợ.

Các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc chính vào hai kênh vốn là tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Vốn tín dụng năm ngoái tăng trưởng rất thấp đến tận tháng 11, tăng mạnh vào tháng 12 nhưng đến đầu năm nay lại giảm mạnh thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm.

TPDN cũng tương tự, Chính phủ đã đưa ra những chuẩn mực mới để tạo điều kiện cho thị trường TPDN phát triển. Tuy nhiên, năm ngoái TPDN phát hành tốt hơn 300.000 tỷ đến năm sau lại giảm rất mạnh. Sự biến động liên tục này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc ổn định, tiếp tục khai thông nguồn vốn trong nước là điều rất quan trọng không chỉ đối với sự vận hành của thị trường vốn mà còn đối với mục tiêu tăng trưởng GDP.

Với riêng thị trường TPDN, ông Thuân cho biết quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp mới đạt 11% GDP vào cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp khi Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng quy mô của thị trường này lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì cần thêm những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn. Đồng thời để khơi thông được thị trường vốn nợ, vai trò của các tổ chức.

Quá trình lấy lại niềm tin của thị trường TPDN

Từ vai trò là một thành viên của thị trường vốn, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Trưởng bộ phận xếp hạng doanh nghiệp của FiinRatings, cho biết việc đưa dòng vốn tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn.

Thứ nhất, cơ sở nhà đầu tư chưa được đa dạng với đối tượng tham gia chủ yếu là ngân hàng và các công ty chứng khoán.

Thứ hai, niềm tin của nhà đầu tư về chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành phải đối mặt với thách thức do thị trường TPDN riêng lẻ mới phát triển và các sự kiện tín dụng liên quan tới trái phiếu còn tương đối mới với đại đa số nhà đầu tư.

Thứ ba, các thông tin về rủi ro liên quan tới các tổ chức phát hành trái phiếu chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn tới hạn chế trong đưa ra quyết định đầu tư.

Hội nghị thị trường vốn nợ Việt Nam 2024. (Ảnh: Hạ An).

Nói đến câu chuyện lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) chia sẻ thực tế về những khó khăn của tổ chức phát hành TPDN trong năm vừa rồi khi mà nhà đầu tư mất niềm tin.

Sau khi những vụ việc khiến niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rất khó để phát hành TPDN với kỳ hạn dài như trước. "Chúng tôi đã phải phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 13 tháng, đi kèm với bảo lãnh TPDN để để tiếp cận đối tượng nhà đầu tư có tiền nhưng niềm tin của họ chưa đủ", bà Hiền nói.

Thời gian vừa rồi, một số ngân hàng cũng tham gia vào bảo lãnh trái phiếu như Techcombank cùng với TCBS đã bảo lãnh cho một số trái phiếu. Vì thế, các loại trái phiếu này dễ tiếp cận với một số nhà đầu tư. Cho đến bây giờ, sau một loạt trái phiếu chỉ phát hành với thời hạn dưới 13 tháng đến giờ, trái phiếu doanh nghiệp phát hành đợt vừa rồi đã có thời hạn hai hoặc ba năm.

Bà Hiền đánh giá, quá trình lấy lại niềm tin của nhà đầu tư rất quan trọng. Ngoài tổ chức phát hành và nhà đầu tư, thị trường cũng rất cần vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hay bảo lãnh trái phiếu.   

Tuy nhiên, cũng nhờ những "cú sốc" nên trong hai năm vừa rồi, sự thay đổi cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải bằng mười mấy năm trước.

Nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính đã đưa ra được cơ sở rất tốt cho thị trường, từ việc có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung đến các quy định tăng tính minh bạch của thị trường. Thanh khoản của thị trường cũng sôi động hơn, nhà đầu tư giao dịch trái phiếu chứ không chỉ mua để nắm giữ chờ đến kỳ hạn thanh toán như trước.

Theo CEO TCBS, để lấy lại niềm tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì quan trọng nhất là sự minh bạch. Vì vậy, cần có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm để giúp tăng niềm tin nhà đầu tư đối với trái phiếu của doanh nghiệp. Với những nỗ lực của các bên, bà Hiền cho rằng dù khó nhưng vẫn có thể sớm "mở khoá" thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

 

Hạ An

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.