|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gần 16.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động trong quý I

09:00 | 07/04/2024
Chia sẻ
Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 239.480 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó chiếm 42% là trái phiếu bất động sản.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 1/4, có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trị giá 8.745 tỷ đồng trong tháng 3.

Lũy kế từ đầu năm đến 1/4, có 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng và hai đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng.

 Nguồn: VBMA.

Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7,6% về giá trị.

Trong tháng 3, các doanh nghiệp đã mua lại 8.031 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 239.480 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 101.145 tỷ đồng, tương đương 42,2%.

 Nguồn: VBMA.

Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 4.851 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ trong tháng 3 đạt 91.120 tỷ đồng, tăng 52% so với tháng 2. Hầu hết các trái phiếu được giao dịch nhiều nhất đều do nhóm ngân hàng thương mại phát hành.

Nhận định về triển vọng thị trường năm nay, trong báo cáo cuối tháng 2, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) kỳ vọng triển vọng tín dụng năm 2024 sẽ cải thiện. Hoạt động kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn và môi trường lãi suất thấp sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ và tái huy động vốn của các doanh nghiệp.

Tâm lý thị trường chung cải thiện cùng với việc thực hiện các quy định chặt chẽ hơn đối với các bên tham gia thị trường sẽ hỗ trợ hoạt động phát hành trái phiếu, đẩy mạnh thanh khoản thị trường và phát triển chiều sâu của thị trường trái phiếu nội địa.

VIS Rating cho rằng thị trường đang ở điểm đảo chiều cho một giai đoạn phát triển mới khi các quy định chặt chẽ hơn về việc phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ năm 2024.

VIS Rating ước tính lượng trái phiếu có rủi ro cao trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới trong năm 2023.

Phần lớn trái phiếu có rủi ro cao thuộc về các doanh nghiệp liên quan đến khối bất động sản hoặc xây dựng với dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn rất hạn chế.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cũng nhận thấy có hơn 60% giá trị trái phiếu rủi ro cao trong năm 2024 đến từ các doanh nghiệp được thành lập chỉ để huy động vốn (SPEs), không có hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ rất yếu và có liên quan đến các nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn đã chậm trả gốc/lãi.

HK

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.