|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Mở đường cho vốn ngoại

11:15 | 18/11/2019
Chia sẻ
Dòng vốn ngoại thông qua các hoạt động sang nhượng dự án vẫn đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam trong suốt năm 2019.
Mở đường cho vốn ngoại - Ảnh 1.

M&A bất động sản sôi động giúp doanh nghiệp nội phát huy được lợi thế quỹ đất và thu hút thêm nhiều dòng tiền từ đối tác quốc tế. Ảnh minh họa: Phương Uyên

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), trong 10 tháng đầu 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16,21 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế đến 20/10, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 đạt 58,5 tỉ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư.

Thực tế, ngay từ đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ mua, bán, chuyển nhượng các dự án bất động sản, phần lớn theo dạng hợp tác rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp trong nước.

Đơn cử, sau khi thoái vốn tại dự án Waterfront City (Đồng Nai), Keppeland đã mua lại 60% cổ phần một khu đất 6,2 ha tại huyện Nhà Bè (TP.HCM). Tổng số tiền đầu tư của thương vụ này là 1.304 tỷ đồng, tương đương 56 triệu USD. 

Hai bên dự kiến sẽ khởi động dự án vào quý 1/2020 với 2.400 căn hộ cao cấp và khối nhà phố thương mại phụ trợ, tổng diện tích sàn xây dựng là 250.000m2.

Cũng vào đầu năm, Công ty Phát Đạt đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd trị giá 22,5 triệu USD. Hay GS E&C - một trong những nhà đầu tư đa lĩnh vực lớn nhất ở Hàn Quốc đã quyết định đầu tư dự án Zeitgeist tại Nhà Bè, TP.HCM với tổng diện tích 349 ha.

Gần đây nhất, Alpha King - một tập đoàn có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) cũng mua lại dự án 87 Cống Quỳnh, quận 1 (TP.HCM) từ Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ngân Bình. Dự án được xây dựng trên khu đất 8.320m2, hiện đang thi công phần móng.

Bên cạnh dòng vốn ngoại, M&A bất động sản cũng chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng đáng chú ý giữa các doanh nghiệp nội.

Tháng 10/2019, HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty CP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh cho Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh. Theo đó, HAGL sẽ chuyển nhượng hơn 196 triệu cổ phần (47,93% vốn điều lệ) tại HAGL Land cho Đại Quang Minh.

Một thương vụ M&A lớn khác là UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings chuyển nhượng một phần dự án Khu nhà ở phía Đông rạch Thủ Lựu tại phường Long Toàn, TP. Bà Rịa cho Công ty CP BĐS Netland. 

Phần dự án chuyển nhượng có diện tích khoảng 7.788m2, diện tích xây dựng 4.672m2, tổng mức đầu tư khoảng 390 tỷ đồng.

Như vậy trong cả năm 2019, dòng tiền đổ vào bất động sản thông qua các hoạt động M&A vẫn tiếp tục sôi động, nhất là từ khối ngoại.

Theo ông Dương Đức Hiển - Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam, rất nhiều nhà đầu tư ngoại nhìn ra sự tương đồng của thị trường Việt Nam với những nước phát triển cách đây 10-20 năm. Đây chính là cơ hội tốt để họ nhảy vào đầu tư. 

Tuy nhiên, dòng vốn ngoại cũng gặp phải rất nhiều rào cản, rủi ro và bỡ ngỡ với thị trường mới nổi như Việt Nam.

Ông Wyeren Yap Vooi Soon - TGĐ Gamuda Land tiết lộ chiến lược chung của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam là tìm kiếm quỹ đất tại trung tâm và vùng phụ cận các thành phố lớn để xây dựng các dự án khu đô thị phức hợp có diện tích lớn. Hầu hết họ đều ưu tiên quỹ đất những nơi có hạ tầng ổn định, sân bay và khí hậu ôn hòa.

Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động M&A sang nhượng quỹ đất giữa khối nội và khối ngoại, khi mà phần lớn doanh nghiệp nội đang nắm lợi thế về quỹ đất và pháp lý. Do đó, M&A vẫn sẽ tiếp tục sôi động trong các năm tới.

Mặc dù vậy, ông Wyeren Yap Vooi Soon cũng chỉ ra những mối bận tâm của nhà đầu tư ngoại với thị trường Việt Nam như: Biến động tỷ giá, rủi ro địa chính trị, chi phí pháp lý... Ngoài ra, quá trình thẩm định dự án kéo dài, tốn rất nhiều chi phí cũng là rào cản lớn với dòng vốn ngoại muốn tìm đường vào Việt Nam.

"Nếu chính phủ Việt Nam có thể giải quyết những nút thắt trên, nhất là khi chu kỳ phát triển gần kết thúc, sẽ tạo ra cú hích để thị trường tiếp tục tiến lên. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có thể là một rủi ro tác động đến dòng vốn ngoại, bởi cao trào của thương chiến chắc chắn sẽ ít nhiều gây bất lợi cho các bên" - ông Wyeren Yap Vooi Soon chỉ rõ.

Phương Uyên