Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang chững lại
Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 18,47 tỉ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang chững lại. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỉ USD. Như vậy, tính riêng tháng 6/2019, thu hút FDI chỉ đạt 1,73 tỉ USD, chỉ bằng 16,5% so với cùng kỳ (tháng 6/2018). Còn so với tổng vốn FDI tháng 5/2019 (2,15 tỉ USD), thu hút FDI tháng 6 ít hơn 0,41 tỉ USD.
Các con số trên cho thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam đang chững lại.
Mặc dù thu hút FDI 6 tháng đầu 2019 chững lại nhưng các dự án FDI đã giải ngân ước tính đạt 9,1 tỉ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.
6 tháng đầu năm, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,87 tỉ USD, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư. TP HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 3,09 tỉ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Tỉnh Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 1,37 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư...
Cụ thể, tại Hà Nội có 4.850 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký 34,2 tỉ USD và 1.850 lượt góp vốn mua cổ phần với vốn đăng ký 7 tỉ USD. Lũy kế giải ngân FDI đạt khoảng 20,5 tỉ USD, chiếm 49,7% vốn đăng ký.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án đầu tư trong nước ngoài ngân sách, với tổng số vốn 12,6 nghìn tỉ đồng; điều chỉnh vốn đầu tư 34 dự án (trong đó 25 dự án tăng vốn thêm 7,1 nghìn tỉ đồng); cấp giấy chứng nhận 13.690 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 143,7 nghìn tỉ đồng, tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và tăng 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tính theo đối tác đầu tư, 6 tháng đầu năm có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vươn lên đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư.
Ngoài ra, một trong những dự án lớn đóng góp vào thu hút FDI của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm là Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỉ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,15 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 5,7 % tổng vốn đầu tư đăng ký.