Việt Nam cần thu hút FDI có chọn lọc
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu cho thấy nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng gần 70% trong 5 tháng đầu năm 2019, mức tăng cao kỉ lục từ năm 2015 trở lại đây. Tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết hiện đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,09 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư.
Hà Nội là một trong số các địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI.
Đáng lưu ý là nguồn vốn đến từ Trung Quốc tăng mạnh, riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ 2018. Tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu. Như vậy, sau một thời gian dài duy trì vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, lượng vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt qua các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..
Đánh giá về kết quả này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Việc FDI tăng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây tác động trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trong đó, làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc và hướng đến các nước khác, trong đó có Việt Nam là một hiện tượng hiện hữu. Rõ ràng Việt Nam đang tiếp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ về và đặc biệt, chúng ta cũng nhìn thấy có sự phân luồng về đầu tư.
Đối với các quốc gia có công nghệ phát triển như Nhật hay Mỹ, khi muốn tìm một nơi để đầu tư dài hạn thì họ cân nhắc rất kỹ giữa Việt Nam với Ấn Độ hay Indonesia, phụ thuộc vào môi trường thể chế cũng như tiềm năng của lực lượng lao động.
Đối với nhóm nước này, họ không hoàn toàn cho rằng Việt Nam là điểm đến số một và họ lựa chọn các nước như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan,… nơi có cơ sở hạ tầng tương đối là tốt từ trong quá khứ cũng như có tiềm năng về ngôn ngữ tiếng Anh hoặc sở hữu lực lượng lao động khổng lồ như Ấn Độ. So với các quốc gia này thì Việt Nam cũng chỉ là một ứng cử viên.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Trung Quốc, họ lại thấy Việt Nam có sự gần gũi về văn hoá, chính trị và đặc biệt là địa lý. Do đó, đang có khuynh hướng đầu tư Trung Quốc đổ dồn về Việt Nam thể hiện ở hiện tượng tỉ trọng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng trong thời gian gần đây. Do vậy, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, đây là hiện tượng tất yếu vì các nhà đầu tư quyết định theo ý chí chủ quan và theo tính toán riêng của họ.
Bên cạnh đó, tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến cả thế giới đang xáo động, Việt Nam được lợi nhiều nhất là về đầu tư, cái lợi về đầu tư này sẽ có ảnh hưởng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, cũng có thể tác động tiêu cực khi chúng ta tiếp nhận các khoản đầu tư ảnh hưởng đến môi trường, xã hội,…
Ông Thành nhìn nhận, chúng ta cũng phải tự hoàn thiện bản thân thông qua hệ thống pháp luật, hệ thống thực thi pháp luật. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng bị “mua chuộc” hay “dễ dãi” trong các điều kiện về môi trường sản xuất, kinh doanh và bảo vệ người lao động… Như vậy, những nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với những điều kiện trên sẽ đến nhiều hơn còn những nhà đầu tư cảm thấy không phù hợp sẽ rời đi.
Việc gia tăng nhanh chóng dòng vốn FDI trong thờ gian qua đã khẳng định sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Việt Nam cần phải thu hút FDI có chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đồng thời, cần đặt ra những hàng rào để ưu tiên công nghệ tốt trong thu hút FDI. Không nên để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp. Đặc biệt, không nên để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong chiến tranh thương mại.